Khổ như...giáo viên chủ nhiệm

VH- “Người giáo viên chủ nhiệm với chương trình giáo dục phổ thông mới” là chủ đề của cuộc hội thảo khoa học do Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM tổ chức vào cuối tuần qua tại TP.HCM với sự tham gia hơn 100 nhà nghiên cứu, nhà quản lý giáo dục và giáo viên chủ nhiệm trong cả nước, đã có ý kiến cho rằng khổ như giáo viên chủ nhiệm.

 Công tác chủ nhiệm đòi hỏi giáo viên vừa hội đủ các năng lực, vừa đối diện với áp lực từ nhiều phía Ảnh có tính minh họa

 Theo ThS Hồ Thế Dũng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP Cam Ranh, Khánh Hòa), tinh thần Nghị quyết số 29 đưa ra mục tiêu đổi mới giáo dục phổ thông là tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, vận dụng kiến thức vào thực tiễn…

Lúng túng trước nội dung đổi mới

Tuy nhiên, đã gần 5 năm thực hiện tại các trường phổ thông, từ cán bộ quản lý đến giáo viên vẫn còn lúng túng trước các nội dung đổi mới. Kết quả cuối cùng là giáo viên phải tự bơi, loay hoay không biết thực hiện nội dung nào trước, nội dung nào sau. “Không phải giáo viên chủ nhiệm nào cũng có được phương pháp giáo dục tốt để quản lý lớp học, thậm chí tỏ ra lúng túng trong một số tình huống sư phạm. Giáo viên chủ nhiệm khó bắt kịp thời đại @, trong khi sự hợp tác, phối hợp từ gia đình trong giáo dục con cái ngày càng ít đi mà hầu như giao hết cho nhà trường”, ThS Hồ Thế Dũng cho biết.

Một cán bộ quản lý giáo dục cho rằng, đỏi hỏi về giáo viên chủ nhiệm ngày càng cao trong khi lỗ hổng giáo dục nhiều thập kỷ nay chưa được lấp đầy. Thế hệ giáo viên 8X, 9X vẫn còn nhiều người yếu về chuyên môn, kém về năng lực và thiếu hụt kỹ năng ngay từ thời phổ thông kéo dài đến đại học… Vậy mà sau đó vài năm, những giáo viên này tiếp tục dùng kiến thức chưa được hoàn thiện để dạy lại cho các thế hệ học sinh khác.

Cùng chung nhận định này, cô Nguyễn Kim Anh, khối trưởng chủ nhiệm khối 11, Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) bày tỏ: “Phụ huynh có thể bỏ tiền thuê 11 giáo viên bộ môn giỏi dạy thêm cho con mình nhưng không thể tìm một giáo viên chủ nhiệm giỏi bởi không ai dạy thêm môn chủ nhiệm”. Đáng nói là, hiện nay chương trình đào tạo sinh viên ở các trường sư phạm chưa có bộ môn công tác chủ nhiệm, mà chỉ lồng ghép trong học phần giáo dục sư phạm, điều này dẫn đến tình trạng khi ra trường, các giáo viên gặp lúng túng trong công tác chủ nhiệm, có người làm tốt, có người không. ThS Hồ Thế Dũng nhận định, người giáo viên là “linh hồn” của lớp học. Tuy nhiên, chế độ và công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ để đáp ứng được nhiệm vụ trong công tác chủ nhiệm hiện nay còn nhiều bất cập.

Biết cư xử phù hợp với “học sinh cá biệt” và cả “phụ huynh cá biệt”

PGS.TS Hà Thanh Việt, Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM và nhóm nghiên cứu cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông mới đòi hỏi đội ngũ giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp cùng lúc phải có những năng lực về chuyên môn, năng lực lãnh đạo, quản lý, xây dựng mối quan hệ gắn bó với học sinh, tư vấn, tổ chức các hoạt động giáo dục, phối hợp các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường, xử lý và giải quyết các tình huống sư phạm, biết ứng dụng công nghệ thông tin, năng lực giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh…

Cô Hoàng Thị Mỹ Nhung, Phó hiệu trưởng Trường THCS Lộc Hưng (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) thì nói, không chỉ cần phải có các năng lực như nói trên, người giáo viên chủ nhiệm hiện nay chịu quá nhiều áp lực từ phía gia đình và ngành giáo dục. Đơn cử như tại Lộc Ninh, là khu vực vùng sâu, vùng xa, nhiều học sinh không đến trường, bỏ học thường xuyên do phần lớn gia đình chưa quan tâm đến việc học hành của con em, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ đi làm ăn xa… “Thế nhưng giáo viên chủ nhiệm lại phải chịu trách nhiệm và bị cắt thi đua nếu năm học đó có học sinh bỏ học, kể cả đó là giáo viên đã thi đạt Giáo viên giỏi cấp tỉnh”, cô Nhung chia sẻ.

Theo nhiều giáo viên, trong thời gian qua liên tục xảy ra nhiều trường hợp giáo viên có hành vi cư xử không chuẩn mực với học sinh và phụ huynh, học sinh đối xử thô bạo, vô lễ với giáo viên, trong đó có nguyên nhân là do quan hệ thầy – trò đang dần thay đổi. Nghiên cứu của TS Hồ Quang Hòa, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) và TS Nguyễn Lê Thăng, Trường ĐH Vinh chỉ ra rằng, “học sinh phổ thông là lứa tuổi nhạy cảm với thái độ ứng xử của thầy cô, vì thế giáo viên có hòa hợp với học sinh hay không phụ thuộc vào cách họ ứng xử, sự chân thành đối với học trò. Giáo viên chủ nhiệm cần giúp học sinh vào những khoảnh khắc khó khăn nhất trong cuộc sống của các em, đó là một trong những tiêu chuẩn đạo đức quan trọng nhất quản lý mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh”. Do vậy, theo cô Hoàng Thị Mỹ Nhung, điều này đòi hỏi người giáo viên phải không ngừng tự hoàn thiện, điều chỉnh thái độ, hành vi cư xử phù hợp với không chỉ “học sinh cá biệt” mà cả “phụ huynh cá biệt”.

 THÙY TRANG

Nguồn: http://baovanhoa.vn/X%C3%A3-h%E1%BB%99i/Gi%C3%A1o-d%E1%BB%A5c/kh%E1%BB%95-nh%C6%B0gi225o-vi234n-ch%E1%BB%A7-nhi%E1%BB%87m

Tin mới
Lượt truy cập
Đang truy cập:1615130
Đang truy cập: 282
Ban biên tập
Chịu trách nhiệm xuất bản
Hiệu trưởng
TS. VŨ QUẢNG

TRƯỜNG CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Số 7-9 Nguyễn Bỉnh Khiêm - Phường Bến Nghé - Quận 1 - TP.HCM
Tel: 08-3.8291718 Fax: 08-3.8296336 | Website: iemh.edu.vn | Email: cbql.hcm@iemh.edu.vn