Đổi mới công tác bồi dưỡng về nâng cao kỹ năng quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý trường phổ thông trước yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

          Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (CT GDPT) đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố và lấy ý kiến rộng rãi của xã hội; đồng thời dự kiến đưa vào triển khai trong trường học vào năm 2018. CT GDPT mới thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước về thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Việc triển khai thực hiện Chương trình mới vào trường phổ thông đòi hỏi người cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) nói chung, CBQL trường phổ thông nói riêng ngoài những kiến thức, kinh nghiệm về quản lý đã có, còn đòi hỏi phải nâng cao một số kỹ năng cần thiết để tiếp cận, quản lý và triển khai thực hiện trong cơ sở giáo dục của mình một cách có hiệu quả. Bài viết này, nêu yêu cầu của đổi mới CT GDPT, những vấn đề đặt ra trong quá trình triển khai thực hiện; từ đó, đòi hỏi nâng cao năng lực, kỹ năng cần thiết của người CBQL trường phổ thông. Đó cũng là nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra đối với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng (ĐT, BD) CBQLGD nói chung và Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

1. Yêu cầu của đổi mới chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

         Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Các nghị quyết, chủ trương của Đảng, Nhà nước đều đặt ra yêu cầu, mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GDĐT). Mục tiêu của đổi mới giáo dục theo Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI là : “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân”; “Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệm, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo…”.

         Từ những quan điểm trên, ngày 28 tháng 11 năm 2014, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Mục tiêu của Nghị quyết là: “Tạo sự chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông, kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh”; “Mục tiêu giáo dục phổ thông là tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh.” Để thực hiện mục tiêu này, giáo dục phổ thông cần “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống văn hóa, lịch sử, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời”.

         Căn cứ vào Nghị quyết 88/2014/QH13, ngày 27 tháng 3 năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 404/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; trong đó nêu rõ: Xây dựng, ban hành chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK) mới phù hợp với hệ thống giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội và tuyên bố của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc: “Học để biết - Học để làm - Học để chung sống - Học để tự khẳng định mình”, góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng, hiệu quả giáo dục và phát triển con người Việt Nam toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, hướng tới “công dân toàn cầu”.

Trên cơ sở những quan điểm chủ trương nêu trên, ngày 12 tháng 4 năm 2017 Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) đã chính thức công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội.

2. Một số nội dung chủ yếu về đổi mới CTGDPT yêu cầu phải nâng cao kỹ năng quản lý của CBQL trường phổ thông

         CTGDPT mới đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mà người CBQLGD nói chung, CBQL trường phổ thông nói riêng cần quan tâm trong quá trình tiếp nhận, triển khai thực hiện nhằm đạt hiệu quả cao:

2.1. Về đổi mới mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình đào tạo

         Trước hết, xác định nhiệm vụ đào tạo của nhà trường phổ thông là đào tạo con người như thế nào. Nói như GS Nguyễn Minh Thuyết- Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông: “Chúng ta có xác định được “chân dung” mong đợi của người công dân mà nhà trường phổ thông sẽ đào tạo ra thì mới xác định được nhà trường cần dạy họ những gì, bằng cách nào và cần tổ chức công tác quản lý, công tác đánh giá kết quả học tập ra sao”.

         Từ đó, mới thực hiện đạt mục tiêu theo Nghị quyết số 88/2014/NQ-QH13 của Quốc hội đề ra: “Tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh”; “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống văn hóa, lịch sử, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời”. Đồng thời, đây cũng là căn cứ để xác định “chân dung” người công dân mới, công dân toàn cầu.

         CT GDPT lần này được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực, nghĩa là cả hoạt động dạy học các môn học lẫn các hoạt động giáo dục trong nhà trường đều phải tận dụng mọi cơ hội cho học sinh trải nghiệm; trong đó, hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hoạt động giáo dục thể hiện sự đổi mới căn bản về “dạy người”; đồng thời với việc trải nghiệm trong môn học nhằm đổi mới căn bản về “dạy chữ”.

         Dự thảo CT GDPT chú trọng đến việc hình thành, phát triển học sinh theo 8 phẩm chất chính và 8 năng lực cốt lõi; trong đó, tám phẩm chất chính là: Nhân ái - Khoan dung, Chuyên cần - Tiết kiệm, Trách nhiệm - Kỷ luật, Trung thực - Dũng cảm. Những phẩm chất chính này đều được hiểu với ý nghĩa và nội hàm mới. Tám năng lực cốt lõi bao gồm những năng lực mà bất kỳ người nào cũng cần có để sống và làm việc; trong đó, có ba năng lực chung mà môn học và hoạt động giáo dục nào cũng cần và có thể hình thành, phát triển cho học sinh, gồm: năng lực tự chủ, năng lực hợp tác và năng lực sáng tạo. Ba năng lực cần thiết đó là: Năng lực tự chủ được thể hiện trong mối quan hệ của mỗi người với bản thân. Năng lực hợp tác được thể hiện trong mối quan hệ của mỗi người với người khác. Năng lực sáng tạo được thể hiện trong mối quan hệ của mỗi người với công việc.

         Quan điểm giáo dục đối với từng cấp học của CT GDPT mới: cấp tiểu học và THCS thực hiện giáo dục toàn diện, tích hợp; còn THPT thực hiện giáo dục phân hóa, tự chọn. Đặc biệt, ở THPT, trừ lớp 10 là lớp dự hướng, phải học đầy đủ các môn; từ lớp 11, học sinh được chọn học những môn học phù hợp.

         Ngoài ra, Chương trình này bao gồm: thời gian dành cho các nội dung học tập chung của cả nước (chương trình quốc gia) và thời gian dành cho nội dung giáo dục của địa phương (chương trình địa phương). Mặt khác, Chương trình tổng thể này chỉ quy định các môn học, nội dung các môn và tổng số giờ trong năm của môn học; do đó, nhà trường được quyền chủ động sắp xếp thời khóa biểu trong từng tuần. Điểm mới của Chương trình là sẽ giao hẳn các môn học tự chọn ở tiểu học, THCS và các hoạt động giáo dục về chương trình địa phương (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hoạt động Tự học có hướng dẫn). Đồng thời, chương trình giáo dục địa phương còn được bố trí 2 tuần để triển khai một số nội dung giáo dục khác theochương trình được Hội đồng thẩm định cấp tỉnh thông qua và Bộ GD&ĐT phê duyệt.

         Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là điểm nhấn của Chương trình mới, đòi hỏi phải được xây dựng sao cho 100% học sinh tham gia, được rèn luyện, và 100% học sinh được đánh giá trong các hoạt động đó; kết quả hoạt động này sẽ được tính trong các kỳ thi chuyển cấp, tuyển chọn vào các loại hình học tập khác nhau.

2.2  Về yêu cầu đối với đội ngũ giáo viên (GV) đáp ứng việc đổi mới CT GDPT

         Giáo viên (GV) phổ thông đóng vai trò quyết định trong việc thực hiện thành công Chương trình đổi mới GDPT. Do đó, người CBQL trong trường học phải nắm bắt và có khả năng xử lý các vấn đề có liên quan tác động đến hoạt động giảng dạy của GV.

         Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng GV phát triển các năng lực nền tảng như: Dạy học phân hóa, tích hợp; phát triển chương trình nhà trường; đánh giá năng lực học sinh, năng lực ngoại ngữ, tin học và các năng lực tổ chức các hoạt động học tập của học sinh để giải quyết những vấn đề liên quan đến cuộc sống; hình thành phương pháp dạy học mới nhằm phát huy sự sáng tạo của học sinh trong các môn học hay các sinh hoạt tập thể; tổ chức có hiệu quả hoạt động trải nghiệm sáng tạo,... Ngoài ra, có biện pháp động viên GV phát huy kết quả bồi dưỡng CT GDPT nhằm chủ động đổi mới các hoạt động dạy và học; tạo điều kiện cho đội ngũ GV từng bước thích ứng với sự thay đổi của CT GDPT. Đặc biệt, là đáp ứng với các Chuẩn GV mới mà yêu cầu đổi mới giáo dục đặt ra.

          Dạy học phân hóa là vấn đề người quản lý cần phải đặc biệt quan tâm; trong đó, yêu cầu đối với GV là phải có sự tác động đến từng người học, tạo môi trường, điều kiện để học sinh có cơ hội học tập theo phương pháp tích cực và sáng tạo. Việc chuyển đổi từ truyền thụ kiến thức là chính sang vai trò xúc tác, điều phối, và hướng dẫn người học là trở ngại không nhỏ đối với nhiều GV.

CT GDPT mới cũng đặt ra vấn đề về phát triển đội ngũ GV; trong đó có việc sắp xếp, bố trí lại việc phân công giảng dạy cho phù hợp do có những môn học mới, môn học tự chọn còn thiếu GV: ngoại ngữ, âm nhạc, mĩ thuật, nghệ thuật, công nghệ, tin học, giáo dục quốc phòng… hoặc do GV dư dôi ra do số lượng môn học theo Chương trình mới được giảm. Bên cạnh đó, là việc đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ GV đáp ứng yêu cầu cụ thể của nhà trường, địa phương.

          Ngoài ra, yêu cầu đối với CBQL trường học là đổi mới công tác bồi dưỡng thường xuyên theo hướng thực sự tăng cường tính tự học, tự bồi dưỡng của người học, trách nhiệm của nhà trường và cơ quan quản lý giáo dục để nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng Chuẩn GV mới.

         Những vấn đề đó, đặt ra thách thức trong công tác quản lý của các trường phổ thông. Bởi lẽ, GV đóng vai trò chủ động, quyết định trong đổi mới CT GDPT. Đổi mới giáo dục lần này, đòi hỏi đổi mới cả cách nghĩ, cách làm từ đội ngũ CBQLGD cho đến GV. Đây thực sự là vấn đề hết sức khó khăn.

2.3 Về phát triển, nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học trong nhà trường

         Cơ sở vật chất trường học (bao gồm các phương tiện dạy học) là yếu tố không thể thiếu để nâng cao chất lượng dạy học; đặc biệt là đối với CT GDPT mới, lấy Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là cốt lõi để nâng cao cất lượng “dạy người”. Đặc biệt, một số vấn đề về cơ sở vật chất: đảm bảo tiến tới học sinh tiểu học đều được học 2 buổi/ngày; sân chơi, bãi tập cho các hoạt động trải nghiệm; phương tiện, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu của Chương trình, môn học mới… cũng là những vấn đề đòi hỏi người quản lý phải biết vận dụng, giải quyết một cách cụ thể để phục vụ có hiệu quả cho công tác dạy học. Trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất nói chung, đòi hỏi người quản lý phải biết lập kế hoạch giáo dục một cách khoa học, hợp lý nhằm tránh các hoạt động diễn ra cùng một lúc mà năng lực về cơ sở vật chất của nhà trường không thể đáp ứng. Bên cạnh đó, việc rà soát, điều chỉnh, sắp xếp lại, nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất; cũng như có kế hoạch bổ sung từng bước là yêu cầu cần thiết đối với người quản lý.

3. Một số vấn đề về đổi mới công tác bồi dưỡng kỹ năng quản lý cho đội ngũ CBQL trường phổ thông trước yêu cầu đổi mới CT GDPT

         Từ những mục tiêu, yêu cầu, nội dung đổi mới CT GDPT nêu trên, có thể nhận thấy CBQLGD nói chung, CBQL trường phổ thông nói riêng cần phải được bồi dưỡng nâng cao một số kỹ năng cần thiết để quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện Chương trình đạt hiệu quảu. Đó cũng là nội dung quan trọng của việc đổi mới công tác ĐT, BD của các cơ sở ĐT, BD CBQLGD; trong đó có Trường Cán bộ quản lý cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh. Một số vấn đề cần đổi mới công tác BD nâng cao kỹ năng như sau:

3.1. Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng đội ngũ CBQLGD theo CT GDPT

         Đứng trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và những thách thức của CBQLGD đối với việc triển khai CT GDPT mới, Trường CBQLGD TP.HCM cần xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên, đáp ứng được yêu cầu ĐT, BD của Trường nhằm trang bị cho đội ngũ CBQLGD và CBQL trường phổ thông những kiến thức cần thiết về quan điểm, chủ trương đổi mới CT GDPT và các kỹ năng quản lý đáp ứng được sự thay đổi của chương trình mới so với chương trình hiện hành. Muốn vậy, đội ngũ giảng viên của Trường phải thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng những kiến thức liên quan đến CT GDPT mới; nắm được những thách thức, rào cản của CBQLGD trường phổ thông để giúp người quản lý thích nghi với chương trình, mục tiêu đào tạo, kế hoạch đào tạo, quản lý việc đánh giá, nhận xét, thi, kiểm tra… nhằm đảm bảo đạt chuẩn đầu ra ở mỗi cấp. Giảng viên cần đóng vai trò của CBQLGD, thấy được tác động nhiều chiều của việc đổi mới CT GDPT trong quá trình triển khai thực hiện. Vì đây không chỉ là thách thức của CBQLGD ở các trường phổ thông mà còn là thách thức đối với đội ngũ giảng viên Trường CBQLGD TP.HCM.

3.2. Tăng cường xây dựng các chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục phù hợp với yêu cầu đổi mới CT GDPT

         Ngoài các chương trình hiện hành, Trường CBQLGD TP.HCM cần xây dựng thêm nhiều chương trình mới; trong đó, đi sâu các kỹ năng về quản lý và thích ứng với sự thay đổi trong bối cảnh đổi mới ngành giáo dục, quản lý mục tiêu đào tạo, quản lý nhân sự (tổ chức, phân công chuyên môn, đào tạo, đào tạo lại…), quản lý việc đánh giá, kiểm tra chất lượng học tập, giảng dạy, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng ra quyết định…

         Các chương trình trên phải phù hợp với CBQL ở từng cấp học; đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra của từng cấp học, vì tính đặc thù của từng cấp học theo chương trình mới có nhiều khác biệt giữa các cấp học với nhau. Cần tổ chức đánh giá, cập nhật, bổ sung, điều chỉnh các chương trình bồi dưỡng cho phù hợp; đẩy mạnh việc phát triển chương trình theo đơn đặt hàng của các địa phương, cơ sở giáo dục để đáp ứng tốt yêu cầu bồi dưỡng cụ thể của từng đơn vị.

Ngoài ra, Trường CBQLGD TP.HCM cần chủ động đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung Chương trình Bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục phổ thông hiện hành (Chương trình 382) để đáp ứng tốt hơn việc đổi mới CT GDPT.

3.3. Tăng cường công tác phối hợp giữa Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương, cơ sở giáo dục trong việc xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nâng cao kỹ năng cho đội ngũ cán bộ quản lý trường phổ thông

         Việc triển khai đổi mới CT GDPT sẽ tác động đến hàng loạt vấn đề có liên quan; trong đó, nổi cộm là đổi mới phương thức quản lý cho phù hợp. Do đó, vai trò của CBQLGD có tính chất quyết định. Việc tổ chức bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng quản lý cho CBQLGD phải được thực hiện theo lộ trình, kế hoạch phù hợp với lộ trình triển khai thực hiện CT GDPT mới. Do đó, cần có sự phối hợp giữa Nhà trường với các địa phương và cơ sở đào tạo để chủ động trong việc chuẩn bị đội ngũ giảng viên và bố trí đội ngũ CBQLGD tham gia bồi dưỡng một cách phù hợp; thông qua việc phối hợp xây dựng các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBQLGD hàng năm và từng giai đoạn.

3.4. Tổ chức tốt các chuyến đi thực tế của các đơn vị chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của địa phương

         Các chuyến đi thực tế của các đơn vị trong Nhà trường cần xây dựng kế hoạch, nội dung cụ thể; trong đó chú trọng đến việc nắm bắt các nhu cầu cần được ĐT, BD của CBQLGD, cơ sở giáo dục ở các địa phương. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị có thể nghiên cứu, nắm bắt, phát hiện các vấn đề khác nhau trong quá trình triển khai CT GDPT mới ở cơ sở; từ đó, có những đề xuất, phương án phù hợp để giúp Nhà trường tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn quản lý, bổ sung kiến thức giảng dạy và hoàn thiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng.

4. Kết luận

         Đổi mới công tác bồi dưỡng kỹ năng quản lý cho đội ngũ CBQL trường phổ thông trước yêu cầu đổi mới CT GDPT là yêu cầu cấp thiết và là nhiệm vụ của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng CBQLGD nói chung và của Trường CBQLGD TP.HCM nói riêng trong giai đoạn hiện nay. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cần phải quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo; cần phải nhận ra các thách thức, rào cản, yêu cầu đặt ra đối với CBQLGD, với những bất cập trong công tác quản lý hiện nay so với việc đổi mới CT GDPT đặt ra. CBQLGD luôn giữ vị trí then chốt trong đổi mới. Vì vậy, việc đổi mới công tác bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý cho đội ngũ CBQL trường phổ thông trước yêu cầu đổi mới CT GDPT là vấn đề cấp thiết và là nhiệm vụ chính trị của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng CBQLGD, trong đó có Trường CBQLGD TP HCM./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI; Nxb. Chính trị Quốc gia.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

3. Quốc hội (2014), Nghị quyết số 88/2014/QH 13 ngày 28 tháng 11 năm 2014  về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

4. Chính phủ (2015), Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

5. Hạ Anh - Thanh Tùng, Chương trình giáo dục phổ thông mới có "dục tốc bất đạt"? http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-co-duc-toc-bat-dat-352076.html

6. Lê Huyền, “Hãy để giáo viên được làm nhà giáo dục” http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/doi-moi-giao-duc-tu-phan-quyen-cho-giao-vien-368461.html

Lê Văn Chương trình giáo dục phổ thông mới: Giảm môn học, thay cách tích hợp Lịch sử  http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-nhung-thay-doi-moi-nhat-351255.html

ThS. Nguyễn Ngọc Chung - Phó Trưởng khoa Quản lý hành chính,

Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh

Tin mới
Lượt truy cập
Đang truy cập:1614304
Đang truy cập: 1185
Ban biên tập
Chịu trách nhiệm xuất bản
Hiệu trưởng
TS. VŨ QUẢNG

TRƯỜNG CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Số 7-9 Nguyễn Bỉnh Khiêm - Phường Bến Nghé - Quận 1 - TP.HCM
Tel: 08-3.8291718 Fax: 08-3.8296336 | Website: iemh.edu.vn | Email: cbql.hcm@iemh.edu.vn