Bồi dưỡng giảng viên kỹ năng đặt câu hỏitrong giảng dạy để phát triển năng lực người học ở các lớp bồi dưỡng tại trường Cán bộ quản lý giáo dục thành phố Hồ Chí Minh

Mở đầu

Thực hiện phương pháp dạy học tích cực đang trở thành một phong trào sâu rộng trong ngành giáo dục nước ta nói chung và tại trường Cán bộ Quản lý Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh (TpHCM) nói riêng. Trong rất nhiều giải pháp đưa ra nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng dạy học hiện nay thì đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng dạy học tích cực được coi là giải pháp quan trọng hàng đầu, trong đó, cách đặt câu hỏi trong dạy học được coi là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của việc đổi mới phương pháp giảng dạy ở các lớp bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tại trường. Vì thế, bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên của trường Cán bộ Quản lý Giáo dục TpHCM(bài viết đề cập trong phạm vi chuyên đề số 13 - Xây dựng và phát triển mối quan hệ của các trường phổ thông – Chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý trường phổ thông theo quyết định số 382/QĐ-BGDĐT, ngày 20 tháng 01 năm 2012 của Bộ GDĐT) về kỹ năng đặt câu hỏi trong giảng dạy để phát triển năng lực người học là hết sức cần thiết.

Nội dung

Như chúng ta biết, các câu hỏi trong dạy họctích cực được ví như những chiếc cầu dẫn người học đến với thế giới tri thức một cách chủ động.Để có được một hệ thống câu hỏi phong phú, đa dạng và thực sự mang lại hiệu quả giúp phát triển năng lực của người học thì không phải người dạy nào cũng có được một cách đầy đủ. Chính vì vậy, vấn đềđặt ra là “bồi dưỡng kỹ năngcho giảng viên về cách đặt câu hỏi trong giảng dạyđể phát triển năng lực người học”nhận được sự quan tâm, trao đổi, chia sẻ của nhiều giảng viên trong quá trình bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ tại trường Cán bộ Quản lý Giáo dục TpHCM. Có thể thực hiện bồi dưỡng các kỹ năng đặt câu hỏi như sau:

  1. Bồi dưỡng cho giảng viên nhận thức đúng đắn và đầy đủ về mục tiêu, nội dung, phương pháp đặt câu hỏi trong dạy học tích cực ở mỗi bài giảng để phát triển năng lực học viên

Cách đặt câu hỏi theo hướng dạy học cũ và hướng dạy học phát triển năng lực của học viên có một số khác biệt. Cụ thể, cách đặt câu hỏi của phương pháp dạy học cũ chú trọng nội dung các chuyên đề trong chương trình bồi dưỡng, trong khi cách đặt câu hỏi theo phương pháp tích cực quan tâm phát triển năng lực học viên.

Về mục tiêu, cách đặt câu hỏi theo phương pháp cũ hướng đến kiểm tra, đánh giá, củng cố nội dung kiến thức cơ bản, học viên không nhất thiết phải quan sát đánh giá, nội dung bài học. Cách đặt câu hỏi trong phương pháp mới giúp học viên phát huy năng lực tư duy, đồng thời giảng viên cũng có thể đánh giá được mức độ phát triển của học viên.

Về nội dung câu hỏi, phương pháp cũ đảm bảo đơn vị kiến thức chuyên đề theo chương trình và ít gắn với tình huống thực tiễn. Các câu hỏi đặt ra theo chủ quan tư duy của giảng viên trong giới hạn khuôn khổ thời gian tiết học. Phương pháp mới mở rộng tích hợp kiến thức các chuyên đề với các vấn đề khác và gắn với tình huống thực tiễn quản lý giáo dục. Câu hỏi phát huy được các cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và phân loại được học viên.

Về phương pháp đặt câu hỏi, phương pháp cũ chủ yếu tập trung vào người giảng viên hỏi, học viên trả lời và tiếp thu một cách ít chủ động. Kỹ năng đặt câu hỏi còn đơn điệu, gò bó. Phương pháp mới, hệ thống câu hỏi có sự tương tác giữa giảng viên và học viên và giữa các học viên với nhau, từ đó, phát triển tư duy đa chiều, đặc biệt chú trọng phát triển các năng lực giải quyết vấn đề, giao tiếp trong nghiệp vụ sư phạm, quản lý giáo dục,… kỹ năng đặt câu hỏi đa dạng, phong phú, được lồng ghép trong các phương pháp dạy học tích cực như thảo luận nhóm, dự án, trải nghiệm sáng tạo.

Ví dụ, khi dạy học chuyên đề số 13 (Xây dựng và phát triển mối quan hệ của các trường phổ thông) trong chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, câu hỏi theo phương pháp cũ thường là: “Anh/chị cho biết trường phổ thông xây dựng và phát triển mối quan hệ với các lực lượng nào trong cộng đồng?”. Câu hỏi này mang tính áp đặt kiến thức trong nội dung bài học ở chuyên đề, không có chính kiến của học viên. Trong tài liệu đã có câu trả lời: Đảng ủy và chính quyền địa phương; Gia đình và Ban đại diện cha mẹ học sinh; các trường và ngành giáo dục; Cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tổ chức quốc tế; Các nhà tài trợ, các mạnh thường quân.

Trong khi đó, câu hỏi theo phương pháp dạy học tích cực có thể được đặt ra như sau: “Vì sao nhà trường phổ thông cần thiết phải xây dựng và phát triển mối quan hệ với các cá nhân, đơn vị, tổ chức trong cộng đồng? Cách xây dựng và phát triển các mối quan hệ đó như thế nào để mang lại hiệu quả, nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường?”.

  1. Bồi dưỡng cho giảng viên về kỹ năng đặt câu hỏi “Hút – Dẫn – Chốt – Mở” trong mỗi bài giảng để phát triển năng lực học viên

Câu hỏi trong dạy học được phân loại gồm bốn loại câu hỏi theo thứ tự: “Hút – Dẫn – Chốt – Mở”. Do vậy, bồi dưỡng cho giảng viên về kỹ năng đặt các câu hỏi loại này là hết sức cần thiết để bài giảng thêm sinh động, hiệu quả và có chất lượng cao.

Câu hỏi “Hút” nhằm cuốn hút người học theo bài học, có thể coi đây là câu hỏi để dẫn dụ, để mở lối và đưa người học về nội dung giảng viên giảng dạy. Ví dụ như ở chuyên đề 13, nội dung cốt lõi của bài học là công tác xã hội hóa giáo dục, giảng viên có thể hỏi: “Anh/chị hãy cho biết suy nghĩ của mình về thực tiễn xã hội hóa giáo dục trong giai đoạn hiện nay ở nước ta?”.Qua câu hỏi của giảng viên và phần trả lời của học viên, giảng viên sẽ cuốn hút người học đến với nội dung quan trọng, bao trùm của chuyên đề. 

Câu hỏi “Dẫn” có sự định hướng, dự báo và chỉ dẫn cách làm, giúp các học viên nắm chắc kiến thức của bài học.Ví dụ như: “Trình bày nội dung và biện pháp thực hiện xã hội hóa giáo dục tại đơn vị anh/chị đang công tác trong thời gian qua?”.Qua đó, giảng viên định hướng cho học viên các nội dung và biện pháp để thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục ở trường phổ thông. Đồng thời, giảng viên cũng qua đó giúp học viên nắm chắc kiến thức của chuyên đề.

Câu hỏi “Chốt” là loại câu hỏi để học viên bày tỏ những hiểu biết cũng như quan điểm về bài học, giúp các học viên tổng hợp kiến thức, kinh nghiệm, bản lĩnh và khả năng thuyết phục.Ví dụ như: “Trong thời gian qua, đơn vị anh/chị đang công tác đã xây dựng thành công mối quan hệ với các bên liên quan nào, vì sao? Chưa xây dựng thành công mối quan hệ với các bên liên quan nào, vì sao? Làm thế nào để cải tiến công tác xây dựng và phát triển mối quan hệ với các bên liên quan?”.Giảng viên giúp học viên tổng hợp và vận dụng kiến thức bài học cùng với kinh nghiệm thực tiễn để giải quyết vấn đề nêu ra, rèn luyện kỹ năng giao tiếp mang tính thuyết phục cho học viên.

Câu hỏi “Mở” là câu hỏi nhường toàn quyền cho người trả lời tự định hướng, tự sáng tạo rồi tùy lý giải. Câu hỏi này gợi mở sự khám phá và vận dụng của học viên.Phần dưới đây sẽ làm rõ loại cây hỏi này.

  1. Bồi dưỡng cho giảng viên về kỹ năng đặt câu hỏi “Mở” trong mỗi bài giảng để phát triển năng lực học viên

Nhà tâm lý giáo dục người Mỹ Benjamin Bloom đã chia lĩnh vực tri thức thành sáu phạm trù chủ yếu, sắp xếp theo mức độ tăng dần gồm: Biết (Knowledge), Hiểu (Comprehension), Ứng dụng (Application), Phân tích (Analysis), Tổng hợp (Synthesis) và Đánh giá (Evaluation). Câu hỏi của giảng viên đặt ra cho học viên trong dạy học do vậy cần được xây dựng theo mức độ tăng lượng câu hỏi mở, hạn chế câu hỏi đóng, giúp cho học viên phát triển năng lực, vận dụng được kiến thức và kỹ năng đã có để giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn dạy học và quản lý giáo dục ở nhà trường phổ thông hiện nay cũng như trong tương lai.

Câu hỏi đóng là câu hỏi mà người học không cần tự trình bày câu trả lời, chỉ lựa chọn từ những đáp án cho trước (có hay không, đúng hay sai). Trong loại câu hỏi này, giảng viên đã có câu trả lời, học viên được cho trước các đáp án. Ví dụ như trong chuyên đề 13 (Xây dựng và phát triển mối quan hệ của các trường phổ thông): “Theo anh/chị, nhà trường phổ thông có cần xây dựng và phát triển mối quan hệ với Ban đại diện cha mẹ học sinh?”. Tất nhiên, chúng ta biết câu trả lời là cần thiết và nó được thể hiện trong Luật Giáo dục, Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh và các văn bản khác. Hỏi như thế thì học viên đã có câu trả lời rồi, không cần phải động não.

Câu hỏi mở là những câu hỏi không có lời giải cố định với cả giảng viên và học viên, nói cách khác, câu trả lời là “mở”. Chẳng hạn, giảng viên đưa ra một chủ đề, một vấn đề hoặc một tài liệu, học viên phải tự trao đổi, thảo luận, đánh giá về đề tài đó (các vấn đề về quản lý giáo dục) rồi trình bày ý kiến theo cách hiểu và lập luận của mình. Câu hỏi mở được đặc trưng bởi sự trả lời tự do của học viên và không có lời giải cố định, cho phép các cách tiếp cận khác nhau và dành không gian cho sự tự quyết định của học viên.

Loại câu hỏi như thế này được sử dụng trong việc luyện tập, kiểm tra năng lực vận dụng tri thức từ các lĩnh vực khác nhau, các chuyên đề khác nhau trong chương trình bồi dưỡng để học viên giải quyết vấn đề. Tính độc lập và sáng tạo của học viên được chú trọng trong việc trả lời câu hỏi dạng này. Ví dụ như: “Giả thiết năm học 2016 – 2017, anh/chị có Quyết định về làm Hiệu trưởng trường phổ thông A. Trường ở vùng sâu, dân cư còn nghèo khó, phòng học và nhà công vụ dột nát; trang thiết bị dạy học không đủ và hư hỏng nhiều; học sinh thiếu thốn quần áo, sách vở, dụng cụ học tập, phải lao động vất vả, nhà xa trường, bỏ học nhiều; chất lượng giáo dục của trường còn thấp; một số giáo viên chưa đạt chuẩn; ít khi nào có tiền thưởng lễ - tết; … Anh/chị hãy lập kế hoạch xây dựng và phát triển mối quan hệ với các bên liên quan để góp phần thay đổi thực trạng đó và đạt nhiều thành tích tốt hơn trong tương lai”.Với câu hỏi mở như thế, giảng viên sẽ giúp các học viên cùng nhau suy nghĩ, trao đổi, chia sẻ, trình bày các ý kiến đa chiều, vận dụng các kiến thức đã học, các kỹ năng đã có để tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất có thể có để đưa nhà trường cải tiến thực trạng và nâng cao chất lượng giáo dục. 

Trong dạy học tích cực tại trường Cán bộ Quản lý Giáo dục TpHCM, giảng viên thường sử dụng câu hỏi gợi mở, dẫn dắt học viên tìm hiểu, khám phá thông tin, kiến thức, kỹ năng mới để đánh giá kết quả học tập của học viên. Học viên cũng phải sử dụng câu hỏi để hỏi lại, hỏi thêm giảng viên và các học viên khác về những nội dung bài học ở các chuyên đề trong quá trình tham dự các lớp bồi dưỡng tại trường.Sử dụng hệ thống câu hỏi một cách có hiệu quả đem lại sự hiểu biết lẫn nhau giữa học viên với giảng viên và giữa các học viên với nhau.Kỹ năng đặt câu hỏi càng tốt thì mức độ tham gia của học viên trong giờ học càng nhiều, học viên sẽ học tập tích cực hơn.

  1. Bồi dưỡng cho giảng viên về quy trình xây dựng câu hỏi trong giảng dạy để phát triển năng lực học viên

Quy trình xây dựng câu hỏi thực hiện theo các bước như sau:

Bước 1: Xác định rõ và đúng nội dung bài học

Bước 2: Tương ứng với nội dung nào thì đặt câu hỏi với nội dung đó

Bước 3: Giảng viên tự trả lời những câu hỏi của mình rồi đưa ra ý kiến câu trả lời của học viên

Bước 4: Chỉnh sửa lại nội dung và hình thức của câu hỏi

Bước 5: Thống kê và phân loại các câu hỏi theo thang nhận thức của Bloom

Bước 6: Sau khi dạy xong, giảng viên cân đối lại số lượng câu hỏi theo thang nhận thức sao cho phù hợp với năng lực của học viên

  1. Một số lưu ý đối với giảng viên khi đặt câu hỏi trong giảng dạy để phát triển năng lực học viên

Không đặt những câu hỏi mập mờ, khó xác định nội dung; không hỏi quá nhiều vào những học viên nhất định mà phải hỏi và tạo cơ hội cho tất cả học viên trong lớp được hỏi và trả lời.

Giảng viên hết sức hạn chế hỏi học viên những câu hỏi “có/không”, và hạn chế những câu hỏi “cái gì?”, vì những nội dung đó có sẵn trong tài liệu bồi dưỡng và học viên khi hoạt động nhóm chỉ cần nhìn vào tài liệu, nhặt kiến thức, chép vào phiếu chung.

Không nên đặt câu hỏi vụn vặt, nhiều câu hỏi gây nhiễu cho học viên; hoặc các câu hỏi không phù hợp với năng lực học viên (câu hỏi quá dễ và có sẵn câu trả lời; câu hỏi quá khó khiến học viên không hứng thú, chán nản và bỏ qua).

Giảng viên nên đặt câu hỏi rõ ràng và khuyến khích tư duy, đồng thời đa dạng hóa câu hỏi, sắp xếp một cách logic và tăng dần độ khó của các câu.

Giảng viên nên quan sát học viên khi hỏi và có thể giải thích câu hỏi để mọi học viên đều được tham gia vào giờ thảo luận; khuyến khích học viên đặt câu hỏi cho nhau và cho nhận xét. Khi học viên trả lời chưa rõ, chưa thỏa đáng, giảng viên đừng vội phủ nhận mà nên gợi ý bằng câu hỏi khác để học viên hướng sang lối tư duy khác để tiếp cận, trình bày ý kiến, tìm ra cách giải quyết vấn đề.

Giảng viên cần hỏi những câu đòi hỏi học viên phải tìm hiểu “tại sao?”. Để đặt được câu hỏi đúng, chuẩn trong bài giảng, giảng viên cần biết rằng mỗi loại hoạt động sẽ có loại câu hỏi khác nhau, chẳng hạn câu hỏi mở đầu tình huống học tậpkhông nên quá khó khiến học viên nản, không muốn học.

  1. Những yêu cầu chung khi đặt câu hỏi trong giảng dạy để phát triển năng lực học viên

Trình bày rõ ràng; có ít nhất một lời giải; với những dữ kiện cho trước, học viên có thể tự mình giải được; không thể giải qua đoán mò.

Các câu hỏi đảm bảo tính toàn diện, vừa phát triển năng lực chung, vừa phát triển các năng lực chuyên biệt.

Các câu hỏi cần đảm bảo tính phát triển, do đó có các mức khó khác nhau.

Các câu hỏi dạng tái hiện sẽ yêu cầu sự hiểu và tái hiện tri thức từ tài liệu học tập.

Các câu hỏi vận dụng sẽ yêu cầu vận dụng những kiến thức trong các tình huống không thay đổi nhằm củng cố kiến thức và rèn luyện kỹ năng cơ bản, chưa đòi hỏi sang tạo.

Các câu hỏi giải quyết vấn đề đòi hỏi sự phân tích, tổng hợp, đánh giá, vận dụng kiến thức vào những tình huống thay đổi, giải quyết vấn đề, sự sáng tạo của người học.

Các câu hỏi gắn với bối cảnh, tình huống thực tiễn quản lý giáo dục sẽ yêu cầu vận dụng và giải quyết vấn đề gắn với bối cảnh và tình huống thực tiễn; đó là những câu hỏi mở, tạo cơ hội cho nhiều cách tiếp cận, nhiều con đường giải quyết khác nhau.

Kết luận

Để xây dựng được hệ thống câu hỏi nhằm phát huy năng lực học viên, giảng viên phải xác định mục tiêu bài học và những năng lực mà học viên có được sau quá trình học tập, bồi dưỡng.Sau đó, lựa chọn phương pháp và hình thức tổ chức dạy học để chuẩn bị những câu hỏi phù hợp với năng lực cần hình thành. Mục tiêu dạy học được mô tả chi tiết và có thể quan sát, đánh giá được, thể hiện được mức độ tiến bộ của học viên một cách liên tục. Hệ thống câu hỏi giúp cho giảng viên biết được năng lực của học viên và chất lượng bài giảng để có kế hoạch hiệu quả và phù hợp cho những bài dạy khác, những lớp khác, những địa phương khác mà trường mở lớp bồi dưỡng.Giảng viên phải luôn thống kê và phân loại hệ thống câu hỏi trước và sau khi dạy để rút kinh nghiệm cho những giờ dạy sau có chất lượng và hiệu quả cao hơn./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2006, Tài liệu tập huấn chuẩn kiến thức kỹ năng chương trình giáo dục phổ thông, NXBGD
  2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2012, Quyết định về việc ban hành chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục,Số:382/ QĐ-BGDĐT                             
  3. Trần Bá Hoành, 2007, Đổi mới phương pháp giảng dạy, chương trình và sách giáo khoa, NXB ĐHSP
  4. Trường Cán bộ quản lý giáo dục TpHCM, 2012, Tài liệu bồi dưỡng cán bộ quản lý trường phổ thông, Lưu hành nội bộ

ThS.Lê Bá Lộc - ThS.Trần Trọng Thái

Giảng viên trường Cán bộ Quản lý Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh

Tin mới
Lượt truy cập
Đang truy cập:9254044
Đang truy cập: 655
Ban biên tập
Chịu trách nhiệm xuất bản
Hiệu trưởng
TS. VŨ QUẢNG

TRƯỜNG CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Số 7-9 Nguyễn Bỉnh Khiêm - Phường Bến Nghé - Quận 1 - TP.HCM
Tel: 08-3.8291718 Fax: 08-3.8296336 | Website: iemh.edu.vn | Email: cbql.hcm@iemh.edu.vn