Biện pháp nâng cao tính trung thực của học viên trong việc thực hiện bài tiểu luận cuối khóa

Đặt vấn đề

          Chương trình “Bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục” là chương trình trọng tâm được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho trường Cán bộ Quản lý Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là chương trình 382- (Ban hành kèm theo Quyết định số 382/QĐ-BGD&ĐT ngày 20/01/2012 của Bộ trưởng Bộ GD & ĐT). Về phương thức tổ chức bồi dưỡng, học viên sẽ có 8 tuần học tập trung tại cơ sở đào tạo và 3 tuần thực tế, viết thu hoạch/tiểu luận tại địa phương cùng 1 tuần đánh giá và tổng kết khóa học tại cơ sở đào tạo. Qua thực tiễn các lớp bồi dưỡng, một vấn đề nảy sinh cần quan tâm khắc phục là tình trạng sao chép của học viên (HV) trong bài tiểu luận cuối khóa. Bài viết đề xuất một vài biện pháp để khắc phục tình trạng này.

Thực trạng vấn đề và yêu cầu giải quyết

          Mục tiêu của chương trình 382 là nhằm bồi dưỡng, phát triển kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý các trường mầm non, tiểu học, phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, phát triển năng lực của CBQL về lãnh đạo và quản lý trong môi trường có nhiều thay đổi, biết gắn tầm nhìn với hành động, phát huy những giá trị của tổ chức và xã hội theo định hướng đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, nâng cao chất lượng GD&ĐT phục vụ công cuộc đổi mới phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

          Nội dung chương trình được cấu trúc thành hai phần chính. Phần thứ nhất bao gồm các nội dung lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn được khái quát hóa cho từng đối tượng người học, cho từng vùng miền. Phần thứ 2, tiếp nối sau quá trình thực hiện bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực, người học được yêu cầu phải hoàn thành một đề án đổi mới cho cơ quan, trường học nơi mình đang công tác, dưới dự hỗ trợ, tư vấn, giám sát và đánh giá của các cơ quan quản lý cấp trên thực tiếp của người học. Đề án đổi mới đó được thể hiện qua bài tiểu luận cuối khóa. Do vậy, Bài tiểu luận đòi hỏi người viết phải dựa trên kiến thức về quản lý đã tiếp thu được và thực tiễn riêng biệt của cơ sở GD mà mình công tác để tự giác, tự lực xây dựng nên đề án cho trường mình.

          Tuy nhiên, trong thời gian qua đã xảy ra tình trạng một số HV sao chép tiểu luận của người khác. Đây là hành vi thiếu trung thực gây khó khăn cho người chấm, có thể dẫn đến mất công bằng giữa người có ý thức nghiêm túc, chăm chỉ, sáng tạo và người lười biếng, không có kiến thức. Mặc dù trong quy định, khi làm tiểu luận HV có thể tham khảo tài liệu; HV chọn cùng một đề tài có thể có những điểm giống nhau về cơ sở pháp lý, lý luận… về các bước tiến hành trong giải pháp hành động… nhưng nhất định phải khác nhau về cách diễn đạt, về hành văn, phong cách ngôn ngữ…có thể hai HV cùng công tác ở 1 trường học nhưng cách hiểu, cách trình bày không thể giống nhau. Sự khác nhau ấy chính là sự thể hiện HV đã hiểu, đã “tiêu hóa” được kiến thức, đã biến tri thức của nhân loại thành của mình.          Hành vi sao chép thường biểu hiện dưới các hình thức sau:

          Sao chép thế hệ trước: HV chép lại bài của HV các khóa trước mà họ có được.

          Sao chép trong cùng lớp học: thường là sao chép nguyên văn hoặc từng phần tiểu luận. Sao chép kiểu này, khi chấm tiểu luận, người chấm dễ dàng nhận ra. Tuy nhiên, khi phân công chấm nếu hai bài giống nhau được phân cho hai người khác nhau chấm sẽ khó phát hiện ra sao chép.

          Sao chép “liên tỉnh” cùng thời gian: chương trình 382 có thể được tổ chức cùng lúc ở nhiều tỉnh. Các HV lười biếng ở khác tỉnh nhau nhưng do có các mối liên hệ nên trao đổi bài cho nhau. Hình thức này gây khó khăn người chấm vì không thể nhớ hết được các bài đã chấm.

          Sao chép “liên tỉnh” khác thời gian: HV sao chép bài của người của người học khóa trước ở tỉnh khác, vùng khác. Hình thức này đặc biệt gây khó khăn cho người chấm.

          Sao chép dưới bất cứ hình thức nào cũng đều thể hiện tính thiếu trung thực trong học tập và cần phải chấn chỉnh loại bỏ tình trạng này.

          Đề xuất một số biện pháp khắc phục

          Nâng cao nhận thức cho HV về tầm quan trọng và ý nghĩa thực tiễn của việc làm bài tiểu luận.

          Cần làm cho HV thấy rõ bài tiểu luận cuối khóa là “công trình khoa học”, là “đứa con tinh thần”, là tâm huyết, trí tuệ của họ khi hoàn thành khóa học. Nó còn chứa đựng hoài bão cống hiến của bản thân sau khi được trang bị kiến thức về quản lý để vận dụng cải tiến thực tiễn, giải quyết những vấn đề còn tồn tại của nhà trường đang công tác. Việc làm bài tiểu luận còn thể hiện danh dự, lòng tự trọng, tính trung thực- một phẩm chất quan trọng cần có của người GV, người cán bộ quản lý, nhất là quản lý giáo dục.

          Việc nâng cao nhận thức cần được thực hiện ngay khi tổ chức lớp học và trong suốt quá trình diễn ra khóa học. Cán bộ phụ trách lớp học và các giảng viên cần thường xuyên nhắc nhở HV về vấn đề này.

          Hoàn thiện việc xây dựng quy định và phổ biến công khai chế tài làm tiểu luận

          Ngoài những quy định đã có cần bổ sung thêm:

          Yêu cầu HV phải nộp file word về Trung tâm khảo thí của trường để Trung tâm quét phần mềm phát hiện sao chép. Sau khi được quét HV mới in tiểu luận để nộp. Theo thời gian, nhà trường cũng sẽ hình thành được “kho” tài liệu vể tiểu luận để mọi người có thể tham khảo, học tập.

          HV khi bị phát hiện sao chép tiểu luận của người khác, Trung tâm khảo thí cần thông báo về cơ quan chủ quản (trường, phòng GD, sở GD) và đề nghị có hình thức chế tài: công khai hành vi gian lận trong đơn vị, dừng xem xét bổ nhiệm đối với HV chưa phải là cán bộ quản lý hoặc hạ bậc thi đua đối với HV đã là cán bộ quản lý.

          Ngay từ khi tổ chức lớp học, cán bộ phụ trách lớp phổ biến quy định về chế tài cho HV sao chép để họ nắm rõ và có ý thức ngay từ khi bắt đầu. Cũng cần công khai việc HV có thể liên hệ giảng viên để nhận được ý kiến hướng dẫn giúp họ tránh được những sai sót khi làm bài tiểu luận.

Kết luận

          Trải qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển, trường Cán bộ Quản lý Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh ngày càng khẳng định được uy tín về chất lượng đào tạo bồi dưỡng và sự nghiêm túc trong giảng dạy cũng như kiểm tra đánh giá. Điều đó đã được nhiều thế hệ cán bộ quản lý GD phổ thông khắp các tỉnh Phía Nam khẳng định. Trong xu thế cạnh tranh ngày càng khốc liệt hiện nay, chất lượng là yếu tố sống còn để giữ vững thương hiệu, uy tín của nhà trường. Việc nghiêm túc, trung thực trong thực hiện bài tiểu luận cuối khóa là một trong những yếu tố quan trọng để giữ vững uy tín đó.

ThS. Phạm Đăng Khoa, Giảng viên Khoa Quản lý giáo dục

Trường Cán bộ quản lý giáo dục Tp. Hồ Chí Minh

TRƯỜNG CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Số 7-9 Nguyễn Bỉnh Khiêm - Phường Bến Nghé - Quận 1 - TP.HCM
Tel: 08-3.8291718 Fax: 08-3.8296336 | Website: iemh.edu.vn | Email: cbql.hcm@iemh.edu.vn