1. Sự cần thiết của việc biên soạn, xuất bản tài liệu, giáo trình phục vụ công tác bồi dưỡng, giảng dạy
Chất lượng giảng dạy của một cơ sở đào tạo, bồi dưỡng luôn phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống giáo trình, tài liệu được đưa vào sử dụng trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Do đó, công tác biên soạn giáo trình, tài liệu luôn được các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng coi là một công việc giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Việc biên soạn, xuất bản được các giáo trình, tài liệu bồi dưỡng đảm bảo tính khoa học sẽ góp phần:
- Nâng cao chất lượng bồi dưỡng. Nhờ có giáo trình, tài liệu, học viên sẽ có thêm tài liệu để phục vụ việc tự học, giúp phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu của học viên. Nhờ có giáo trình, tài liệu, giảng viên có nhiều điều kiện để đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức giảng dạy, bồi dưỡng.
- Nâng cao trình độ chuyên môn,nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên. Thông qua việc biên soạn, xuất bản các giáo trình, tài liệu bồi dưỡng sẽ giúp từng bước nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giảng viên. Thậm chí,có thể thúc đẩy hình thành các nhóm chuyên gia gắn với từng chuyên môn cụ thể.
- Quảng bá, khẳng định thương hiệu của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Việc chủ động biên soạn, xuất bản hệ thống giáo trình, tài liệu đảm bảo tính khoa học, phù hợp với đặc thù chuyên môn của nhà trường không chỉ giúp cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chủ động được nguồn giáo trình, tài liệu phục vụ công tác giảng dạy, bồi dưỡng mà còn góp phần quảng bá, khẳng định chất lượng, thương hiệu, hình ảnh của nhà trường trước học viên và xã hội.
Nhiều cơ sở đào tạo, bồi dưỡng coi việc biên soạn, xuất bản giáo trình, tài liệu là yêu cầu bắt buộc, là cam kết của cơ sở về năng lực và chất lượng đào tạo, bồi dưỡng để xã hội giám sát.
2. Kinh nghiệm biên soạn, xuất bản tài liệu, giáo trình phục vụ công tác bồi dưỡng, giảng dạy của một số cơ sở đào tạo, bồi dưỡng
Tìm hiểu công tác tổ chức chỉ đạo, biên soạn giáo trình,tài liệu ở một số cơ sở đào tạo, bồi dưỡng như Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Tân Trào, Đại học Sư phạm – Đại học Huế, Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng, Đại học Tây Nguyên, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đồng Tháp, chúng tôi nhận thấy:
- Các trường này đều rất quan tâm đến việc biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy, bồi dưỡng: việc biên soạn, xuất bản giáo trình được các trường đưa vào quy chế chi tiêu nội bộ; hàng năm, các trường này đều dành một nguồn ngân sách cho việc biên soạn, xuất bản giáo trình, tài liệu; hầu hết các trường đều ban hành các quy định về biên soạn, lựa chọn, thẩm định, xuất bản, phát hành, duyệt và sử dụng giáo trình, tài liệu học tập.
- Các trường đều chú trọng biên soạn giáo trình để giảng dạy các môn học trong chương trình đào tạo đại học và sau đại học. Đối với các chương trình bồi dưỡng cấp chứng chỉ hoặc cấp chứng nhận, các trường chú trọng vào việc biên soạn bài giảng và tài liệu bồi dưỡng.
- Các giáo trình, tài liệu đều được nghiệm thu, thẩm định bởi hội đồng nghiệm thu hoặc các chuyên gia độc lập. Thông thường, giáo trình do Hội đồng nghiệm thu, tài liệu bồi dưỡng thường do các chuyên gia độc lập (ít nhất là 2 chuyên gia) thẩm định.
- Thay vì bắt buộc các tác giả phải xuất bản giáo trình, tài liệu thì hầu hết các trường đưa ra các biện pháp khuyến khích tác giả xuất bản giáo trình, tài liệu. Chẳng hạn, sau khi được nghiệm thu, nếu tác giả xuất bản giáo trình thì sẽ được nhà trường hỗ trợ thêm một phần kinh phí xuất bản. Ngoài ra, các giáo trình, tài liệu, sách tham khảo, sách chuyên khảo đã xuất bản sẽ được tính giờ nghiên cứu khoa học;… Một số trường hỗ trợ kinh phí cho cả việc biên soạn, xuất bản sách chuyên khảo, sách tham khảo (kinh phí hỗ trợ biên soạn, xuất bản sách tham khảo, chuyên khảo thấp hơn kinh phí biên soạn, xuất bản giáo trình); mua một số lượng nhất định giáo trình, tài liệu, sách do giảng viên trong trường biên soạn, xuất bản để đưa vào thư viện;…
- Bên cạnh những giáo trình, tài liệu được lựa chọn, thẩm định, xuất bản, phát hành, duyệt và sử dụng theo quy trình do nhà trường đề ra (thường có số lượng hạn chế), một số trường khuyến khích giảng viên chủ động tổ chức biên soạn, xuất bản và phát hành giáo trình, tài liệu. Nhà trường hỗ trợ một phần kinh phí cũng như hỗ trợ cho tác giả trong việc phát hành.
- Đa số các trường đều có tủ sách truyền thống của trường. Tủ sách của trường lưu trữ, trưng bày, giới thiệu các giáo trình, tài liệu, sách tham khảo, sách chuyên khảo do các thế hệ giảng viên của trường biên soạn, xuất bản.
Thực tế cho thấy, dù các trường đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để thúc đẩy việc biên soạn cũng như để nâng cao chất lượng hệ thống giáo trình, tài liệu song việc biên soạn, xuất bản giáo trình, tài liệu vẫn còn nhiều hạn chế cả về chất lượng và số lượng. Những hạn chế này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau như năng lực của đội ngũ giảng viên; nguồn kinh phí hạn chế; quy trình lựa chọn, thẩm định, xuất bản, phát hành, duyệt và sử dụng giáo trình, tài liệu phức tạp, gây mệt mỏi cho các tác giả;…
3. Kiến nghị và đề xuất
Biên soạn giáo trình, tài liệu là công việc đòi hỏi sự lao động nghiêm túc và khoa học. Để biên soạn và cho ra đời một sản phẩm khoa học chất lượng, đòi hỏi tác giả phải có trình độ chuyên môn, phải làm việc chăm chỉ, khoa học bằng cả lương tâm, trách nhiệm cũng như niềm đam mê. Theo chúng tôi, để thúc đấy việc biên soạn, xuất bản các giáo trình, tài liệu bồi dưỡng, trong thời gian tới trường chúng ta cần tập trung vào một số biện pháp sau đây:
- Xây dựng và ban hành quy định về việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, xuất bản, phát hành, duyệt và sử dụng giáo trình, tài liệu bồi dưỡng theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính để khuyến khích giảng viên tham gia biên soạn, xuất bản giáo trình, tài liệu.
- Thời gian đầu nên tập trung vào việc biên soạn, xuất bản các tài liệu bồi dưỡng, bao gồm tài liệu lưu hành nội bộ và tài liệu được xuất bản. Tùy theo nội dung và thời lượng, mỗi module hoặc chuyên đề trong chương trình 382 (và chương trình tiếp theo) nên biên soạn một tài liệu riêng. Từ các tài liệu này có thể từng bước phát triển thành giáo trình hoặc sách chuyên khảo. Đối với các chương trình bồi dưỡng khác, cần khuyến khích giảng viên biên soạn tài liệu lưu hành nội bộ hoặc xuất bản.
- Bên cạnh những tài liệu, giáo trình do nhà trường tuyển chọn, đặt hàng, cấp kinh phí biên soạn và xuất bản, cần giao cho các khoa, bộ môn chủ động trong việc biên soạn, xuất bản tài liệu (lựa chọn nội dung, tập hợp tác giả, tổ chức biên soạn, tổ chức thẩm định, liên kết xuất bản, phát hành,…), nhà trường giữ vai trò hỗ trợ, khuyến khích bằng các biện pháp cụ thể, thiết thực.
- Mỗi tài liệu, giáo trình cần khuyến khích từ hai giảng viên trở lên tham gia biên soạn. Trong một số trường hợp, cần khuyến khích và mời các giảng viên, tác giả ngoài trường cùng tham gia biên soạn.
- Hỗ trợ kinh phí biên soạn, xuất bản cho tác giả hoặc hỗ trợ tác giả trong việc phát hành giáo trình, tài liệu đến học viên (trong trường hợp giảng viên chủ động biên soạn, xuất bản không dùng đến kinh phí của trường).
- Xây dựng tủ sách truyền thống củaTrường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh để lưu trữ, trưng bày, giới thiệu các giáo trình, tài liệu, sách tham khảo, sách chuyên khảo được biên soạn bởi các thế hệ giảng viên nhà trường.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học của nhà trường để giảng viên cập nhật các công trình khoa học của mình như đề tài, bài báo, sách, giáo trình, tài liệu,…Vừa giúp quản lý hoạt động khoa học, biên soạn giáo trình, tài liệu vừa giúp tra cứu thông tin về lý lịch khoa học của giảng viên một cách hiệu quả.
Mỗi giáo trình, tài liệu không chỉ là sự kết tinh trí tuệ, công sức, mà đó còn là tâm huyết, danh dự của chính những người đã tham gia biên soạn giáo trình, tài liệu đó. Do đó, các tác giả chính là người chịu trách nhiệm cao nhất đối với các giáo trình, tài liệu do mình biên soạn. Nhà trường nên tạo cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện và có các biện pháp khuyến khích cả về tinh thần và vật chất để hỗ trợ, thúc đấy giảng viên tích cực tham gia biên soạn giáo trình, tài liệu, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng các chương trình bồi dưỡng, qua đó nâng cao uy tín, vị thế của nhà trường trong xã hội.
TS. Vũ Đình Bảy - Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục