Một số góp ý về tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lý theo định hướng tiếp cận năng lực người học

1. Đặt vấn đề

         Việc chuyển từ dạy học tiếp cận nội dung (người học học được gì) sang dạy học tiếp cận năng lực của người học (người học làm được gì thông qua việc học), đang được toàn ngành giáo dục nỗ lực thực hiện. Bên cạnh việc học lý thuyết trên lớp, chương trình định hướng năng lực sẽ tổ chức các lớp học đa dạng; chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo…; đánh giá dựa vào năng lực đầu ra, có tính đến sự tiến bộ trong quá trình học tập, chú trọng khả năng vận dụng của người học trong các tình huống thực tiễn.

         Hầu hết cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) các trường phổ thông hiện nay đều trưởng thành trong môi trường giáo dục định hướng nội dung nên thiếu trải nghiệm trong dạy học và quản lý dạy học định hướng phát triển năng lực. Đây là một trong những hạn chế hiện nay của CBQLGD các trường phổ thông. Điều này sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến tiến độ và hiệu quả của công tác quản lý dạy học định hướng phát triển năng lực sắp tới nếu không được nhìn nhận và chuẩn bị đúng mức.

         Do đó, bài viết này nhằm nhận diện một số khó khăn trong dạy học và quản lý dạy học trước sự thay đổi trên trong thời gian sắp tới, đề xuất biện pháp tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong công tác bồi dưỡng CBQL trường phổ thông theo giáo dục định hướng phát triển năng lực người học, góp phần giúp CBQL hình thành và phát triển năng lực giải quyết các vấn đề tại đơn vị mình phụ trách.

2. Khái niệm

         Dạy học phát triển năng lực người học: Theo Nguyễn thị Mỹ Lộc: “Dạy học phát triển năng lực người học là nhằm mục tiêu phát triển năng lực người học, được định hướng là kết quả đầu ra của quá trình dạy học, phát triển toàn diện phẩm chất nhân cách, chú trọng vận dụng kiến thức vào tình huống thực tiễn, chuẩn bị cho người học năng lực giải quyết các tình huống của cuộc sống và nghề nghiệp, người học có vai trò là chủ thể của quá trình nhận thức” [1, tr. 27].

         Hoạt động trải nghiệm sáng tạo: “Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hoạt động giáo dục, trong đó, dưới sự hướng dẫn và tổ chức của nhà giáo dục, từng cá nhân học sinh được trực tiếp tham gia vào các hoạt động thực tiễn khác nhau của đời sống gia đình, nhà trường cũng như ngoài xã hội với tư cách là chủ thể của hoạt động, qua đó phát triển năng lực thực tiễn, phẩm chất nhân cách cũng như phát huy tiềm lực của cá nhân mình”. [5, tr. 8]   Theo Nguyễn Minh Thuyết, hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong trường phổ thông gồm 2 loại:

          Loại 1: Hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong từng môn học nhằm trải nghiệm kiến thức môn học trong thực tiễn.

          Loại 2: Hoạt động trải nghiệm sáng tạo mang tính tích hợp, trong đó học sinh dựa trên sự tổng hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực giáo dục và nhóm kỹ năng khác nhau để trải nghiệm thực tiễn đời sống và tham gia hoạt động phục vụ cộng đồng dưới sự hướng dẫn và tổ chức của nhà giáo dục. [4, tr. 8]

3. Những khó khăn trong quản lý nhà trường

         Trong những năm học qua, các chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Đổi mới phương pháp dạy học; Đánh giá học sinh tiểu học, …mặc dù đã được đầu tư rất nhiều, nhưng kết quả thu về, đến thời điểm này vẫn còn hạn chế. Theo Phạm Đỗ Nhật Tiến: “Sau gần 15 năm cố gắng, dạy và học trong trường phổ thông vẫn nghiêng về sự truyền thụ một chiều… vẫn cung cấp cho người học cái mà nhà trường có chứ không phải cái mà thị trường cần” [6, tr. 21]. Hay trong việc thực hiện Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học, Đỗ Tấn Ngọc cho rằng: “Sau hai năm thực hiện đại trà phạm vi cả nước, cách đánh giá mới này đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ các giáo viên trực tiếp giảng dạy và CBQLGD”. Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải điều chỉnh bằng Thông tư 22, bổ sung 13 trong 20 điều của Thông tư 30 hướng đến khắc phục những bất cập trong Thông tư 30.

         Từ những kinh nghiệm trên, việc chuyển từ dạy học tiếp cận nội dung sang dạy học tiếp cận năng lực của người học cần phải được đánh giá đúng mức những khó khăn, những nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình triển khai để kịp thời xây dựng những biện pháp tháo gỡ. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ xin đề cập đến một vài khó khăn trong nhiều khó khăn có thể thấy được trước mắt:

         - Dạy và học lệch: Nguyễn Thị Mỹ Lộc lưu ý: “Nếu vận dụng một cách thiên lệch, không chú ý đầy đủ đến nội dung dạy học thì có thể dẫn đến các lỗ hổng tri thức cơ bản và tính hệ thống của tri thức. Ngoài ra chất lượng giáo dục không chỉ thể hiện ở đầu ra mà còn phụ thuộc ở quá trình thực hiện. Khuynh hướng quá tập trung vào các hoạt động học tập trải nghiệm, thực hành ngoài trời…sẽ dẫn đến học lệch, phát triển lệch, học sinh sẽ không nắm vững tri thức” [1, tr.27]. Điều lưu ý này là một gợi ý cho CBQL trong xây dựng kế hoạch dạy học của nhà trường và kiểm tra kế hoạch dạy học của GV.

         - Khó khăn về chuyên môn, nghiệp vụ về dạy học theo giáo dục định hướng phát triển năng lực người học: Việc chuyển từ dạy học định hướng nội dung sang dạy học phát triển năng lực người học không phải GV nào cũng được trang bị kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ đầy đủ để đảm đương nhiệm vụ. Bởi vì hầu như tất cả mọi người đều được “nhúng” trong môi trường dạy học định hướng nội dung từ lâu. Làm thế nào để mọi GV đều hiểu được: Thế nào là một chương trình dạy học phát triển năng lực? Thế nào là một hoạt động góp phần phát triển năng lực người học? Thế nào là một bài giảng phát triển năng lực? Thế nào là một đề kiểm tra phát triển năng lực? Dạy học như thế nào để phát triển được năng lực của học sinh mà không bị lệch trọng tâm?... Đó là một bài toán khó đối với toàn ngành hiện nay.

         - Khó khăn về quản lý hoạt động dạy học theo giáo dục định hướng phát triển năng lực người học: Tương tự GV, CBQL cũng đã “sống” trong môi trường dạy học định hướng nội dung quá lâu, do đó nội dung quản lý nào? Trình tự quản lý nào để quản lý nhà trường theo định hướng mới? Quản lý nhà trường như thế nào để việc dạy và học trong nhà trường phát triển được năng lực của học sinh mà không ảnh hưởng đến những hoạt động khác?...

         Những khó khăn trên sẽ được giải quyết hiệu quả hơn nếu đội ngũ CBQL và GV trường phổ thông được bồi dưỡng, tập huấn trong môi trường giáo dục định hướng phát triển năng lực người học. Với đặc trưng ngoài tri thức, họ cần được củng cố, luyện tập những tri thức đó trong các tình huống trải nghiệm thực tế.

4. Đề xuất biện pháp

         Trong quá trình giảng dạy, giảng viên của trường CBQLGD TP.HCM tiến hành bồi dưỡng các chuyên đề cho học viên với những bài tập tình huống, chia sẻ kinh nghiệm… diễn ra trong lớp, thuận tiện về thời gian, không gian, kinh phí… Cuối khóa, học viên được hướng dẫn đi tham quan thực tế tại một vài trường ở địa phương khác nhằm học hỏi thêm một số kinh nghiệm ở trường bạn. Ít có cơ hội để học viên phát hiện một vấn đề đã hoặc đang phát sinh tại trường và tìm biện pháp giải quyết.

         Những năm gần đây, việc tham quan thực tế do học viên tự tổ chức với sự hướng dẫn của GV chủ nhiệm, do đó nhiều lớp với những lý do khác nhau đã không tham gia hoạt động này. Điều này rõ ràng chưa phù hợp với chủ trương dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học hiện nay với trọng tâm là hoạt động trải nghiệm thực tế.

         Vì vậy, thực hiện chỉ đạo của Bộ giáo dục và Đào tạo về dạy học phát triển năng lực người học, tiếp tục thực hiện việc đổi mới phương pháp giảng dạy…, trường CBQLGD TP.HCM nên tăng cường các hoạt động trải nghiệm thực tế cho học viên các lớp bồi dưỡng CBQL theo Chương trình 382, các lớp bồi dưỡng Cộng tác viên thanh tra giáo dục…mang tính chất “bắt buộc” theo một số định hướng đề xuất sau:

         - Cuối mỗi khóa học, trường CBQLGD TP.HCM tổ chức hoạt động “Trải nghiệm thực tế” cho các lớp.

         - Thời gian: 2 hoặc 4 ngày (trước đây cũng từ 2 đến 4 ngày)

         - Địa điểm: 1 hoặc 2 trường trên địa bàn tỉnh bạn.

         - Thành phần: Tất cả học viên, GVCN, một số giảng viên.

         - Nội dung thực tế nên bao gồm các hoạt động sau:

         + Tham quan, học tập kinh nghiệm của trường bạn.

         + Tìm hiểu một vấn đề tồn tại hoặc đang phát sinh của nhà trường (thông qua kênh báo cáo của Hiệu trưởng, nội dung giải đáp thắc mắc của học viên, hoặc sổ họp hội đồng, biên bản họp các tổ… (nếu có thể)).

         + Tổ chức họp nhóm để đề xuất biện pháp giải quyết.

         + Tổ chức các seminar theo nhóm để trình bày nội dung vấn đề và biện pháp giải quyết cho giảng viên và học viên các nhóm khác góp ý, hoàn thiện.

         + Đánh giá: Theo hướng học viên tự đánh giá kết hợp với GVCN, giảng viên các chuyên đề được phân công, học viên các nhóm khác tham gia đánh giá. Kết quả cuối khóa học sẽ bao gồm kết quả đánh giá này cùng với điểm chuyên cần, điểm bài tiểu luận…

         Chú ý: GVCN có thể chủ động chọn một vài chuyên đề và mời giảng viên liên quan để tránh tình trạng học viên phân tán trong lựa chọn những vấn đề phát sinh tại trường bạn.

         Nhờ hoạt động đó, học viên được học qua trải nghiệm thực tế, có thêm kinh nghiệm về quản lý hoạt động này, giúp cải thiện công tác quản lý hoạt động dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh ở trường.

5. Đề xuất

         Cùng với việc được cung cấp kiến thức và giải quyết các bài tập tình huống trong lớp học, hoạt động trải nghiệm thực tế này sẽ giúp học viên có thêm kinh nghiệm về quản lý hoạt động này, giúp cải thiện công tác quản lý hoạt động dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh ở trường, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà trường. Do đó, chúng tôi đề xuất một số biện pháp để thực hiện nhiệm vụ này như sau:

         - Các giảng viên của trường cần được tham quan, học tập, hội thảo ở nước ngoài là những nơi có môi trường học tập định hướng phát triển năng lực người học trước chúng ta nhiều năm.

         - Tổ chức cho giảng viên nghiên cứu; biên soạn chương trình dạy học theo định hướng mới; tổ chức chiêu sinh và giảng dạy; đánh giá hiệu quả của chương trình trong thực tế.

         - Trường cần liên kết chặt chẽ và mở rộng mối quan hệ với các địa phương để có thể đưa học viên thực tập tại những trường có “vấn đề phát sinh điển hình” như dạy lệch, học lệch, lúng túng trong quản lý hoạt động dạy học theo định hướng phát triển năng lực… Hoạt động này thực chất là “nhúng” CBQL trong môi trường học tập phát triển năng lực người học, gắn với trải nghiệm thực tế, đổi mới kiểm tra đánh giá…góp phần phát triển năng lực của chính học viên.

         Bồi dưỡng kiến thức tại lớp kết hợp hoạt động trải nghiệm thực tế là phù hợp với xu thế dạy học hiện nay, nhằm giúp học viên phát hiện và giải quyết vấn đề. Đây mới là nội dung cốt lõi của dạy học phát triển năng lực người học, là điều cần thiết với mọi học viên trong bất cứ giai đoạn nào, là một nội dung quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà trường. Trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh những vấn đề thời gian bồi dưỡng, kinh phí bồi dưỡng, chất lượng bồi dưỡng và xây dựng mối quan hệ với địa phương. Chúng ta nên chú trọng cả bốn. Bài viết này nhằm nhắm đến vấn đề thứ 3, vì điều này sẽ giúp nhà trường phát triển một cách bền vững nhất cùng các vấn đề khác.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Thị Mỹ Lộc (2015), Dạy học phát triển năng lực người học, Tạp chí Quản lý giáo dục (4/2015).
  2. Đỗ Tấn Ngọc (2015), Phương pháp dạy học mới đang vướng phải cản trở gì?, Tạp chí Giáo dục Việt Nam (01/2015).
  3. Đỗ Tấn Ngọc (2016), Những nhận xét đầu tiên về Thông tư 22 thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học, Tạp chí Giáo dục Việt Nam (09/2016).
  4. Nguyễn Minh Thuyết (2017), Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là môn học riêng, Báo Phụ Nữ, 04/5/2017.
  5. Đinh Thị Kim Thoa (2017), Trải nghiệm sáng tạo – Hoạt động quan trọng trong chương trình phổ thông mới, Giáo dục và Thời đại, 11/5/2017.
  6. Phạm Đỗ Nhật Tiến (2015), Đổi mới quản trị nhà trường trước yêu cầu chuyển đổi giáo dục theo định hướng phát triển năng lực người học, Tạp chí Quản lý giáo dục (4/2015).

    ThS. Huỳnh Ngọc Thanh, Giảng viên Khoa Quản lý giáo dục

    Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh

TRƯỜNG CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Số 7-9, Nguyễn Bỉnh Khiêm - Phường Bến Nghé - Quận 1 - TP. Hồ Chí Minh
Tel: 0283 8291718 | Hotline: 0829 84 88 89 - 0764 14 79 79
Website: iemh.edu.vn | Email: cbql.hcm@iemh.edu.vn