Nâng cao chất lượng dạy và học từ góc độ nguồn học liệu

  1. HỌC LIỆU MỞ Ở VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI

Trong mỗi cơ sở giáo dục, học liệu là một nguồn thông tin đặc thù, được sử dụng để phục vụ cho quá trình dạy, học và nghiên cứu. Nguồn học liệu bao gồm các nhóm chính: Sách giáo khoa, giáo trình, đề cương bài giảng; Tài liệu, tư liệu phục vụ học tập: Hướng dẫn học tập, tài liệu giải đáp, tài liệu mô phỏng, thực hành; Tài liệu tham khảo phục vụ nghiên cứu và học tập: Ấn phẩm sách, tạp chí khoa học, niên giám thống kê, kỷ yếu hội thảo khoa học; Luận án, luận văn, khóa luận.

Nguồn học liệu cần được liên tục gia tăng để đáp ứng nhu cầu người dùng tin và các nhóm học liệu chuẩn phải được tạo nên từ ít nhất 8 kỹ thuật sau:

  1. Kỹ thuật in ấn, offset: Giáo trình, sách ấn bản.
  2. Kỹ thuật in, ghi đĩa từ: CD-ROM.
  3. Kỹ thuật truyền hình: Băng hình bài giảng, băng hình tư liệu.
  4. Kỹ thuật phát thanh: File Audio.
  5. Kỹ thuật Internet: Bài giảng điện tử, tài liệu điện tử trực tuyến.
  6. Kỹ thuật thuyết trình PowerPoint: Bài giảng do giáo viên soạn.
  7. Kỹ thuật Metrodata, Server: Cơ sở dữ liệu thư viện, tài liệu số.
  8. Kỹ thuật 3G, 4G: Học liệu dành cho điện thoại, máy tính bảng.

Học liệu mở ở Việt Nam

Chương trình Học liệu mở Việt Nam ra đời từ tháng 11/2005 là sự hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, công ty Phần mềm-Truyền thông VASC và Quỹ Giáo dục Việt Nam với mục tiêu giúp người dùng Việt Nam xóa bỏ các rào cản, tận dụng tối đa các nguồn học liệu mở trên thế giới. Một hệ thống thông tin-thư viện đủ mạnh và tương thích với nước ngoài sẽ trở thành công cụ thiết yếu để duy trì và phát triển quá trình hợp tác với các nguồn học liệu quốc tế. Mức độ phát triển của hệ thống thông tin-thư viện sẽ là một trong các tiêu chí quan trọng phản ánh trình độ và thứ hạng của mỗi cơ sở đào tạo đại học.

Thực hiện đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, hệ thống các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu ở nước ta đang có những bước phát triển và thay đổi về mọi mặt. Cùng với công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao theo nhu cầu xã hội, hoạt động thông tin - thư viện là một trong số các nhiệm vụ quan trọng được ưu tiên phát triển để đổi mới công tác đào tạo. Một số trường đại học nhận được những nguồn đầu tư, nguồn tài trợ lớn, có hệ thống từ Chính phủ Việt Nam, từ các tổ chức quốc tế cho hoạt động thông tin-thư viện và vấn đề phát triển nguồn học liệu ở đó đã có những bước phát triển đặc biệt. Tiêu biểu là sự thay đổi và phát triển theo mô hình thư viện hiện đại tại các trung tâm Thông tin-Thư viện của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội… và sự hình thành các trung tâm học liệu (Learning Resource Center - LRC) tại Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế, Đại học Cần Thơ, Đại học Tôn Đức Thắng…Có thể nói, phát triển nguồn học liệu, nguồn thông tin đặc thù của mỗi cơ sở đào tạo là vấn đề có tính chiến lược cần được quan tâm và đầu tư toàn diện, thích đáng từ chính sách phát triển, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính đến công nghệ hiện đại.

Học liệu mở trên thế giới

Ở các nước tiên tiến, khoa học công nghệ phát triển, thuật ngữ học liệu mở (Open Course Ware) xuất hiện vào năm 2002, tại Viện Công nghệ Massachusetts – MIT (Mỹ). MIT đã đưa toàn bộ nội dung giảng dạy của mình lên Website và cho người sử dụng Internet trên khắp thế giới truy cập hoàn toàn miễn phí. Đến nay, Website về học liệu mở của MIT có hơn 1800 môn học bao gồm bài giảng, lịch học, danh mục tài liệu tham khảo, bài tập về nhà, bài thí nghiệm và đề thi để người dùng có thể tham khảo cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu của mình.

Với tiêu chí “Tri thức là của chung nhân loại và tri thức cần phải được chia sẻ”, nhiều trường đại học và viện nghiên cứu trên thế giới đã chung tay lập nên Hiệp hội học liệu mở (Open Course Ware Consortium) để chia sẻ nội dung, công cụ cũng như công nghệ triển khai nguồn học liệu mở sao cho hiệu quả nhất. Như vậy, giảng viên, sinh viên và những người tự học ở mọi nơi trên thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam đều có cơ hội như nhau trong việc tiếp cận nguồn tri thức mới. Để có thể tiếp cận được và khai thác hiệu quả nguồn học liệu mở này, người dùng tin cần có điều kiện sử dụng Internet và các cơ sở hạ tầng khác, có trình độ tiếng Anh đủ để đọc hiểu nội dung học liệu, có trình độ kiến thức nền tảng tương xứng và nắm được phương pháp giảng dạy, học tập tiên tiến. Một trong những nguồn học liệu mở đó là hệ thống quản lý giáo trình (Course Management System) được phổ biến tại Website của EduTools. EduTools đã nỗ lực phát triển để trở thành một Website tốt nhất trong tìm kiếm và chia sẻ thông tin về các nguồn học liệu. EduTools luôn duy trì và phát triển mối quan hệ chặt chẽ với các nhà cung cấp các sản phẩm thông tin có liên quan để không ngừng nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng lớn trong môi trường học tập, giảng dạy liên tục biến đổi với nhịp độ cao. 

2. NGUỒN HỌC LIỆU GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY VÀ HỌC

Trung tâm Thông tin-Thư viện là cơ sở cung cấp nguồn học liệu cho quá trình dạy, học và nghiên cứu của nhà trường. Nguồn học liệu cung cấp thông tin chuyên ngành và thông tin tham khảo cho giảng viên nghiên cứu, biên soạn tài liệu học tập, chuẩn bị bài giảng. Đối với học viên, thời gian học tập là một cơ hội để tiếp xúc nhiều hơn với nguồn học liệu. Cùng với những giờ lên lớp, nguồn học liệu với các hình thức thông tin khác nhau là công cụ, là cơ sở thông tin, tri thức để người học tự học, hỗ trợ tiếp thu nội dung chương trình học tập theo các cấp độ từ “biết”, “hiểu”, “ứng dụng”, “phân tích”, “tổng hợp” đến “đánh giá” nhằm thực thi nhiệm vụ và giải quyết các tình huống quản lý ở cơ sở giáo dục của mình. Ngoài nguốn tài liệu tham khảo, tài liệu học tập của mỗi chương trình bồi dưỡng là “cẩm nang” cho việc dạy và học, là yếu tố không thể thiếu. Chất lượng tài liệu học tập gắn liền với chất lượng của mỗi chương trình và chất lượng của mỗi chương trình góp phần làm nên thương hiệu của nhà trường. Đánh giá công tác bạn đọc của thư viện, khảo sát mức độ hài lòng của bạn đọc đối với thư viện cho thấy những học viên đạt kết quả học tập xuất sắc cũng là những bạn đọc thân thiết, thường xuyên đến thư viện tham khảo nguồn học liệu. Một số học viên kết thúc khóa học, trở về địa phương vẫn tiếp tục liên lạc với cán bộ thư viện để tìm kiếm thông tin…Như vậy, nhu cầu thông tin chuyên biệt, thông tin chuyên ngành, thông tin tham khảo đối với người cán bộ quản lý giáo dục là rất cần thiết. Nguồn học liệu luôn song hành suốt quá trình học tập và đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Một số hoạt động cơ bản để xây dựng nguồn học liệu của trung tâm Thông tin-Thư viện trường Cán bộ quản lý giáo dục thành phố Hồ Chí Minh:

- Duy trì và phát triển nguồn học liệu hiện có: Sách, tài liệu học tập, báo, tạp chí khoa học, tài liệu nghiên cứu khoa học, kỷ yếu hội thảo khoa học, tài liệu dự án, luận án, luận văn, CD-ROM, files tư liệu sưu tầm, Ebook.

- Bổ sung, sưu tầm sách, tài liệu, tạp chí chuyên ngành quản lý giáo dục.

- Biên soạn tư liệu tham khảo theo các nội dung của chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục và các chương trình bồi dưỡng, tập huấn của nhà trường.

- Phổ biến với bạn đọc nguồn giáo trình, tài liệu học tập, tài liệu chuyên khảo, tài liệu tham khảo.

- Liên tục phát triển nguồn học liệu chuyên ngành quản lý giáo dục, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin, tài liệu mang tính chuyên biệt của người dạy và người học, hỗ trợ hoạt động khoa học, công nghệ tương xứng với quy mô hoạt động, chiến lược phát triển của nhà trường.

3. GIỚI THIỆU CÁC NGUỒN HỌC LIỆU MỞ (OCW)

1. OCW tại Việt Nam:

Học liệu mở quốc tế tại Việt Nam: http://ocw.fetp.edu.vn/home.cfm

 Chương trình giảng dạy kinh tế:        Fulbrigtht: http://ocw.fetp.edu.vn/home.cfm

2. OCW của Học viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ: http://ocw.mit.edu

Thư viện các luận án MIT: https://dspace.mit.edu

3. OCW trường ĐH Rice, Hoa Kỳ: http://cnx.rice.edu

4. OCW của trường ĐH bang Utah, Hoa Kỳ: http://ocw.usu.edu

5. OCW của Tuft University, Hoa Kỳ: http://ocw.tufts.edu

6. OCW của nhóm các trường ĐH công nghệ của Pháp

(Paristech): http://www.paristech.org

7. OCW của nhóm các trường ĐH hàng đầu của Nhật Bản

(Japan OCW Alliance): http://www.jocw.jp

Keio University: http://ocw.dmc.keio.ac.jp

Kyoto University: http://ocw.kyoto-u.ac.jp/en/

Osaka University: http://ocw.osaka-u.ac.jp

Tokyo Institute of Technology: http://www.ocw.titech.ac.jp

University of Tokyo: http://ocw.u-tokyo.ac.jp/english

Waseda University: http://www.waseda.jp/ocw

8. OCW của nhóm các trường ĐH hàng đầu của Trung Quốc

 (CORE): http://www.core.org.cn/en/

ThS. Chu Phương Diệp, GĐ Trung tâm Khảo thí và đảm bảo chất lượng GD&ĐT

Tin mới
Lượt truy cập
Đang truy cập:1613715
Đang truy cập: 596
Ban biên tập
Chịu trách nhiệm xuất bản
Hiệu trưởng
TS. VŨ QUẢNG

TRƯỜNG CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Số 7-9 Nguyễn Bỉnh Khiêm - Phường Bến Nghé - Quận 1 - TP.HCM
Tel: 08-3.8291718 Fax: 08-3.8296336 | Website: iemh.edu.vn | Email: cbql.hcm@iemh.edu.vn