XÂY DỰNG KHUNG NĂNG LỰC QUẢN LÍ HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC TÍCH HỢP TRONG TRƯỜNG PHỔ THÔNG

1. Đặt vấn đề

Năng lực quản lí là tổ hợp những thuộc tính tâm lí cá nhân nhằm đáp ứng yêu cầu của việc giải quyết những nhiệm vụ của các hoạt động trong tổ chức. Dưới góc độ quản lí nhà trường, việc xác định năng lực giúp nhà quản lí thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của mình. Năng lực quản lí hoạt động dạy học được thể hiện rõ nhất trong toàn bộ chu trình của hoạt động quản lí ở nhà trường từ việc kế hoạch hóa, tổ chức, chỉ đạo việc thực hiện và kiểm tra đánh giá. Năng lực quản lí hoạt động dạy học tích hợp là tập hợp những năng lực hoạch định kế hoạch, tổ chức chỉ đạo, kiểm tra đánh giá các hoạt động dạy học theo hướng tích hợp bằng cách huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực vốn có tạo động lực đẩy mạnh quá trình dạy học theo hướng tích cực của nhà trường để thực hiện tốt các mục tiêu và chất lượng dạy học trong nhà trường. Việc xây dựng khung năng lực quản lí hoạt động dạy học tích hợp ở các trường phổ thông là một trong những vấn đề quan trọng nhằm đáp ứng định hướng đổi mới giáo dục hiện nay.

2. Xây dựng khung năng lực quản lí hoạt động dạy học tích hợp trong trường phổ thông

Trong nhà trường, năng lực quản lí gồm các năng lực chung, năng lực quản lí và năng lực chuyên môn. Năng lực chung là những năng lực cơ bản áp dụng cho tất cả vị trí việc làm trong tổ chức; năng lực quản lí là những năng lực áp dụng cho các vị trí quản lí từng cấp; năng lực chuyên môn là năng lực mang tính chuyên môn áp dụng cho  từng vị trí trong nhà trường và gắn với các loại chuyên môn kỹ thuật cụ thể.

Theo tác giả Ngô Quý Nhâm (2016), “khung năng lực là bản mô tả các năng lực cần thiết và đầy đủ để thực thi thành công một công việc của một vị trí, một nhóm, một đơn vị hoặc một tổ chức”. Trong quản lí hoạt động dạy học tích hợp thì khung năng lực quản lí hoạt động dạy học tích hợp là tập hợp những năng lực hoạch định kế hoạch; tổ chức chỉ đạo và kiểm tra đánh giá theo hướng tích hợp bằng cách huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực vốn có, tạo động lực đẩy mạnh quá trình dạy học theo hướng tích hợp để thực hiện tốt các mục tiêu dạy học của nhà trường. Các chức năng quản lí hoạt động dạy học tích hợp được thể hiện cụ thể như sau:

- Năng lực hoạch định kế hoạch là việc xác định các mục tiêu và biện pháp tốt nhất để đạt được mục tiêu đó trong một thời gian nhất định.

- Năng lực tổ chức là sắp xếp các nguồn lực bao gồm việc phân công giảng dạy cho giáo viên theo chuyên môn đã được đào tạo theo yêu cầu đảm bảo chất lượng dạy học; quản lí việc xây dựng phân phối chương trình, kế hoạch dạy học tích hợp nhằm đảm bảo nội dung kiến thức quy định của chương trình từng môn học, không giảm nhẹ, không nâng cao, mở rộng hơn so với yêu cầu chương trình; quản lí việc soạn bài và chuẩn bị lên lớp.

- Năng lực chỉ đạo hoạt động dạy học tích hợp tức là việc nhà quản lí dùng các biện pháp tác động để đạt được mục tiêu. Cụ thể chỉ đạo thông qua việc xây dựng quy chế chuyên môn; tổ chức dự giờ, thăm lớp để nắm bắt thực trạng dạy học theo hướng tích hợp và tổ chức rút kinh nghiệm giờ dạy; Báo cáo của các tổ chuyên môn và để nắm bắt thông tin về hoạt động dạy học theo hướng tích hợp của giáo viên; chỉ đạo việc soạn giáo án của giáo viên để nắm bắt việc soạn bài theo hướng tích hợp; Phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nhà trường để nâng cao chất lượng dạy học tích hợp; chỉ đạo việc đảm bảo cơ sở vật chất đảm bảo hoạt động dạy học theo hướng tích hợp. Ngoài ra, chỉ đạo việc thực hiện nền nếp trong học tập của học sinh trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp và trong lớp theo hướng tích hợp đồng thời chỉ đạo quá trình hướng dẫn hoạt động tự học của học sinh

- Năng lực kiểm tra đánh giá là quá trình đánh giá và điều chỉnh nhằm đảm bảo các hoạt động đạt tới mục của tổ chức đã đề ra. Bao gồm việc xác định chuẩn, xây dựng kế hoạch kiểm tra, phân tích các kết quả đo đạc để so sánh với chuẩn để có những tác động thúc đẩy hay uốn nắn rút kinh nghiệm.

Dưới góc độ giáo dục học, để có thể xem xét năng lực là kết quả của quá trình giáo dục, rèn luyện của cá nhân, thể hiện ở những kiến thức, kĩ năng và thái độ phù hợp để cá nhân có thể tham gia hiệu quả vào một lĩnh vực hoạt động nhất định. Như vậy, ở góc độ này, người quản lí có năng lực thì nhất định phải có tri thức, kĩ năng, kĩ xảo trong lĩnh vực quản lí, có thái độ tích cực để vận dụng tri thức kĩ năng hiệu quả vào các hoạt động quản lí trong nhà trường.

Hiện nay, để nâng cao năng lực quản lí hoạt động dạy học tích hợp tức là nâng cao năng lực hành động quản lí hoạt động này theo khung năng lực như sau:

Sơ đồ: Khung năng lực quản lí hoạt động dạy học tích hợp

Để nâng cao năng lực quản lí hoạt động dạy học tích hợp, mỗi vị trí quản lí trong nhà trường sẽ có một khung năng lực. Các năng lực này có thể chia làm hai nhóm:

- Năng lực cốt lõi (Core competence): gồm các năng lực cần thiết cho tất cả các vị trí như kĩ năng giao tiếp, năng lực ra quyết định và giải quyết vấn đề…

- Năng lực theo vai trò (Role specific competence): là các năng lực ứng dụng cho các vị trí cụ thể như hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng các tổ chuyên môn.

Trong thực tế quản lí, ngoài việc xác định hai nhóm năng lực ở trên, các tổ chức có thể bổ sung thêm một nhóm năng lực nữa là năng lực chuyên môn (Technical competence). Năng lực chuyên môn là các kiến thức, kĩ năng và khả năng chuyên môn gắn với lĩnh vực cụ thể có vai trò thiết yếu trong việc hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn mà cá nhân cần có để đảm nhận vị trí công việc đó. Việc chia ra làm ba nhóm như vậy chỉ mang tính chất tương đối vì các nội dung này thường có sự giao thoa lẫn nhau.

Cho nên khi quản lí hoạt động dạy học tích hợp, các nhà quản lí cần quan tâm đến việc nghiên cứu các chức năng quản lí, xác định các nhóm năng lực cần có của các cấp quản lí và thực trạng dạy học ở các nhà trường. Trên cơ sở đó lựa chọn nội dung, phương pháp và các hình thức quản lí phù hợp với điều kiện của nhà trường để đạt được hiệu quả giáo dục theo định hướng đổi mới quản lí giáo dục hiện nay.

3. Kết luận

Nâng cao năng lực quản lí hoạt động dạy học tích hợp cho cán bộ quản lí là một vấn đề cấp thiết và đã được thể hiện trong mục tiêu, chiến lược phát triển giáo dục. Ở góc độ chức năng quản lí, mô hình khung năng lực quản lí hoạt động dạy học tích hợp được thể hiện ở khả năng thực hiện và mức độ hiệu quả việc thực hiện các chức năng lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra của nhà quản lí.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Ngô Quý Nhâm (2016), Khung năng lực và ứng dụng trong hoạt động trị nhân sự. ocd.vn/tainguyen quản /doc_download/4-khung-nang-luc-va-ungdung-trong-qtns.html, 2016
  2. Nguyễn Lộc ( 2005), Hoàn thiện bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lí doanh nghiệp dựa trên hệ thống tiêu chí năng lực, Tạp chí phát triển giáo dục, (số 1), tr13 -14.
  3. Nguyễn Lộc (2014), Khung năng lực của người hiệu trưởng - dự án phát triển giáo dục THPT giai đoạn 2, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
  4. Đỗ Thị Hương Trà (2015), Dạy học tích hợp phát triển năng lực học sinh, Nhà xuất bản Đại học sư phạm Hà Nội.

Đinh Thị Kim Loan - Trần Kiều Dung

Giảng viên, Trường cán bộ quản lý giáo dục Tp. Hồ Chí Minh

TRƯỜNG CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Số 7-9 Nguyễn Bỉnh Khiêm - Phường Bến Nghé - Quận 1 - TP.HCM
Tel: 08-3.8291718 Fax: 08-3.8296336 | Website: iemh.edu.vn | Email: cbql.hcm@iemh.edu.vn