Tham dự hội thảo có lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GDĐT, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, cùng đại diện các Sở GDĐT, các cơ sở giáo dục và cán bộ, giáo viên từ 100 điểm cầu trực tuyến trên toàn quốc.
Quang cảnh hội thảo tại điểm cầu trực tiếp
Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của văn hóa ứng xử trong môi trường học đường, đồng thời xây dựng các chiến lược thực tiễn nhằm lan tỏa và gìn giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp trong cộng đồng giáo dục. Sự kiện cũng là dịp để các chuyên gia, đại diện các cơ sở giáo dục chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng, đề xuất giải pháp cụ thể nhằm phát triển kỹ năng ứng xử văn minh, tôn trọng và hòa hợp giữa học sinh, giáo viên và cán bộ nhà trường.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Văn Đạt, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD T) nhấn mạnh, việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ là giá trị cốt lõi để tạo dựng môi trường học đường lành mạnh. Các hoạt động này không chỉ tiếp thu giá trị văn hóa vùng miền và tinh hoa văn hóa nhân loại mà còn nâng cao đời sống tinh thần, khả năng cảm thụ văn hóa - nghệ thuật, đồng thời trở thành động lực để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ và lối sống tốt đẹp cho đội ngũ nhà giáo và học sinh, sinh viên.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên Trần Văn Đạt phát biểu tại hội thảo
Theo ông Trần Văn Đạt, công tác xây dựng văn hóa ứng xử góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, trong thời gian qua, Bộ GDĐT đã ban hành và chỉ đạo thực hiện Thông tư số 26/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT.
Ông Trần Văn Đạt cho biết, việc đánh giá kết quả thực hiện hai Thông tư này là cơ hội để lắng nghe ý kiến từ các Sở GDĐT, cơ sở giáo dục và đội ngũ cán bộ, giáo viên trên cả nước. Qua đó, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định, đồng thời đưa ra giải pháp thiết thực nhằm nhân rộng các mô hình thực hiện quy tắc ứng xử hiệu quả.
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng trường đại học Sư phạm Hà Nội phát biểu tại hội thảo
Ở góc độ quản lý cơ sở đào tạo giáo viên, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đề cập tới vai trò then chốt của việc xây dựng và triển khai Bộ quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục. Theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, là người đứng đầu một đơn vị đào tạo giáo viên, trách nhiệm không chỉ dừng lại ở việc thực thi các quy định mà còn ở việc định hướng, bồi dưỡng nhận thức và năng lực thực hành văn hóa ứng xử cho đội ngũ nhà giáo tương lai.
Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng nhấn mạnh, sự thành công của việc triển khai Bộ quy tắc ứng xử không chỉ phụ thuộc vào nội dung quy định mà còn vào tinh thần, thái độ và trách nhiệm của từng cá nhân trong nhà trường, từ cán bộ quản lý, giảng viên đến sinh viên sư phạm. Điều này sẽ góp phần xây dựng môi trường học đường văn minh, thân thiện và là tiền đề để các sinh viên sư phạm áp dụng vào thực tiễn giảng dạy sau này.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên Doãn Hồng Hà điều hành thảo luận
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, đánh giá kết quả thực hiện Thông tư số 26/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT về quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục. Các ý kiến tập trung vào kinh nghiệm xây dựng môi trường văn hóa học đường lành mạnh, triển khai hiệu quả bộ quy tắc ứng xử và giải pháp khắc phục hạn chế. Đồng thời, chia sẻ phương pháp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của quy tắc ứng xử đối với phát triển nhân cách và lối sống văn hóa tại các cơ sở giáo dục.
Đại diện Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc xây dựng môi trường văn hóa và ứng xử văn hóa trong trường học là nền tảng quan trọng để giáo dục đạo đức và lối sống cho học sinh, sinh viên. Văn hóa ứng xử không chỉ là các quy định nguyên tắc mà còn giúp định hình nhân cách, ý thức trách nhiệm và thái độ tôn trọng trong cộng đồng học đường. Để đạt được mục tiêu này, các cơ sở giáo dục cần tạo môi trường học tập thân thiện, lành mạnh và lồng ghép giáo dục văn hóa ứng xử vào chương trình đào tạo, qua các hoạt động ngoại khóa và chính khóa, giúp học sinh, sinh viên phát triển kỹ năng giao tiếp và tinh thần đoàn kết.
Đại diện Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương trao đổi tại hội thảo
Đại diện Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương chia sẻ về thực trạng và bài học kinh nghiệm trong tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ cho học sinh, sinh viên. Các hoạt động này đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần, giáo dục giá trị văn hóa và kỹ năng sống, dù gặp không ít khó khăn về nguồn lực và cơ sở vật chất. Nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh và các tổ chức xã hội, đại diện Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương cũng đồng thời khẳng định việc lồng ghép nội dung văn hóa vào giảng dạy và ngoại khóa là yếu tố then chốt để xây dựng môi trường học đường lành mạnh, giàu bản sắc.