Hội thảo nhằm thực hiện Kế hoạch số 1572/KH-BGDĐT ngày 27/9/2023 của Bộ GDĐT về việc triển khai Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân nhiệm vụ của năm 2024.
Quang cảnh hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ GDĐT) cho biết: Thực hiện Quyết định số 1309/QĐ-TTg và Chỉ thị số 34/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GDĐT đã ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện về việc triển khai Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Ngành Giáo dục xác định mục tiêu đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục, đào tạo các cấp tổ chức giáo dục quyền con người cho người học; triển khai các hoạt động nghiên cứu về quyền con người; xây dựng các chương trình, kế hoạch nhằm tuyên truyền và phổ biến pháp luật về quyền con người tại các trung tâm nghiên cứu và cơ sở đào tạo chuyên sâu.
Việc triển khai Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục quyền con người; trang bị kiến thức, kỹ năng về quyền con người cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ giáo viên, giảng viên và người học trong các cơ sở giáo dục, đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Người học được nâng cao nhận thức và phát huy quyền con người, góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc về quyền con người ở Việt Nam.
Đại diện Bộ GDĐT và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì hội thảo
Trong các nhiệm vụ của Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhiệm vụ tuyên truyền, truyền thông có vai trò rất quan trọng.
Tầm quan trọng của công tác truyền thông về quyền con người đã được nhấn mạnh trong Quyết định số 1079/QĐ-TTg ngày 17/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Truyền thông về quyền con người cần được triển khai trên cả 3 nội dung chính: phổ biến, giáo dục kiến thức về quyền con người; tuyên truyền về các nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người; giải thích, làm rõ, phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình hình quyền con người ở Việt Nam.
Trong đó, ưu tiên khai thác hiệu quả thế mạnh của truyền thông trên các nền tảng số để cung cấp thông tin minh bạch đến người dân trong nước và quốc tế về các nỗ lực và thành tựu đảm bảo quyền con người của Nhà nước.
Truyền thông về quyền con người nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hiểu biết của toàn xã hội về các quyền con người; thông tin đầy đủ giúp người dân trong nước, đồng bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu rõ về quan điểm, chủ trương, nỗ lực và kết quả đạt được trong công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam; nâng cao uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người ở phạm vi trong nước, khu vực và trên thế giới.
Đại biểu dự hội thảo
Bộ GDĐT đã phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xây dựng tài liệu tuyên truyền, giáo dục về quyền con người trong tuần sinh hoạt công dân - sinh viên. Tài liệu được phê duyệt để tập huấn cho cán bộ phụ trách công tác sinh viên và tuyên truyền, giáo dục về quyền con người trong tuần sinh hoạt công dân - sinh viên ở các cơ sở giáo dục đại học.
Hội thảo được tổ chức với mục đích trao đổi thông tin, khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức về quyền con người và kỹ năng truyền thông trong công tác thông tin, tuyên truyền về quyền con người tới sinh viên.
Sau hội thảo, Ban Tổ chức đã tổ chức tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông về giáo dục về Quyền con người trong tuần sinh hoạt công dân - sinh viên đầu khóa dành cho cán bộ quản lý các cơ sở đào tạo khu vực phía Nam với sự tham gia của hơn 100 đại biểu.
Thông qua tập huấn, các học viên nắm được những khái niệm, nguyên tắc chung về quyền con người, phương pháp nghiên cứu, phương pháp truyền đạt, kỹ năng truyền thông về quyền con người tới sinh viên trong tuần sinh hoạt công dân - sinh viên.