Một số vấn đề cần quan tâm khi lựa chọn phương pháp dạy học tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục

     Trong thực tiễn lập kế hoạch và tiến hành dạy học, người giảng viên (GV) thường xuyên đối diện với câu hỏi: làm thế nào để lựa chọn phương pháp dạy học (PPDH) phù hợp và có hiệu quả? Các nhà lý luận dạy học, các nhà giáo dục học thường đưa ra lời khuyên mỗi PPDH có một giá trị riêng, không có PPDH nào là vạn năng, giữ vị trí độc tôn trong dạy học, mà cần phải có sự phối hợp sử dụng các PPDH một cách hợp lý và khoa học. Vấn đề đặt ra là khi lựa chọn PPDH người GV nói chung và người GV ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục (CSĐTBDCBQLGD) nói riêng cần dựa trên những cơ sở lý luận và thực tiễn nào? Bài viết dưới đây trao đổi một số vấn đề cần quan tâm khi lựa chọn PPDH tại các cơ sở ĐT, BD cán bộ quản lý giáo dục.

1. Một số vấn đề cần quan tâm khi lựa chọn phương pháp dạy học

     Câu trả lời cần được tìm kiếm trong các mối quan hệ của PPDH ở cả 3 bình diện [quan điểm dạy học, PPDH và kỹ thuật dạy học (KTDH)] với các yếu tố liên quan, đó là: mục tiêu dạy học; nội dung dạy học; nhu cầu, hứng thú, thói quen học tập của học viên (HV); năng lực, sở trường, kinh nghiệm sư phạm của GV; điều kiện giảng dạy và học tập.

1.1. Lựa chọn các phương pháp dạy học có khả năng thực hiện tốt nhất mục tiêu dạy học

     Mỗi mô hình lý luận dạy học, mỗi PPDH đều có những điểm mạnh, điểm hạn chế nhất định. Nhưng khi xem xét việc thực hiện một mục tiêu dạy học nhất định thì có một số PPDH có khả năng cao hơn các PPDH khác. Chẳng hạn nếu đặt mục tiêu nhanh chóng truyền thụ cho xong nội dung quy định thì PPDH thuyết trình có vị trí quan trọng. Nhưng nếu đặt mục tiêu phát triển năng lực tìm tòi sáng tạo của HV thì vấn đề sẽ khác đi.

     Sau đây là kết quả nghiên cứu về khả năng của các PPDH trong việc thực hiện các mục tiêu (theo phân loại của Bloom và các tác giả khác) theo bảng 1 dưới đây [1]:

Các phạm trù mục tiêu

Các phương pháp dạy học

 Thuyết trình

Thảo

luận

Học

cá nhân

Học tương tác

Học trong hành động

 I. Lĩnh vực nhận thức

 1. Biết

 2. Hiểu

 3. Vận dụng

 4. Phân tích

 5. Tổng hợp

 6. Đánh giá

 

B

B

C

C

C

D

 

C

B

A

A

A

A

 

A

A

A

A

A

C

 

B

B

B

B

B

B

 II. Lĩnh vực tình cảm

 1. Tiếp nhận

 2. Phản ứng

 3. Đánh giá

 4. Sắp xếp, tổ chức giá trị

 5. Trở thành tính cách

 

B

D

B

B

D

 

A

A

A

B

B

 

A

B

D

D

D

 

A

A

A

A

A

 III. Lĩnh vực tâm vận

 1. Thực hiện phối hợp các động tác

 2. Phối hợp thành thục các động tác

 3. Giao tiếp

 4. Hành vi ngôn ngữ

 

D

D

D

D

 

D

D

B

A

 

A

A

C

C

 

C

C

A

B

 Thang:        A: Xuất sắc;     B: Khá;      C: Trung bình;      D: Yếu

     Nhìn vào ma trận, ta có thể thấy rõ điểm mạnh, điểm yếu của các nhóm PPDH với việc thực hiện mục tiêu, đặc biệt là sự hạn chế của PPDH thuyết trình đối với việc thực hiện các mục tiêu quan trọng của phát triển nhân cách.

     Một kết quả nghiên cứu khác cũng cho thấy sự hạn chế của các phương pháp dùng lời nói và đồng thời khuyến khích tổ chức các hoạt động tự lập của HV phối hợp các phương pháp nhằm huy động đồng thời nhiều giác quan của HV tham gia vào quá trình tri giác các đối tượng lĩnh hội. Kết quả nghiên cứu này thể hiện ở hình 1 dưới đây [1]:

1.2. Lựa chọn các phương pháp dạy học cần tương thích với nội dung học tập

     Sự thống nhất giữa mục tiêu, nội dung với PPDH là một quy luật cơ bản chi phối việc lựa chọn, phối hợp và sử dụng PPDH. Sự thống nhất đó mang tính động chứ không tĩnh, nó tiến triển theo thời gian và thể hiện ở lôgic vận động của sự vật hiện tượng. Sự thống nhất này được thể hiện ở những điểm sau:

     - Khi đã biết mục tiêu dạy học và những dạng của nội dung dạy học ta xác định được đặc tính hoạt động của cả thầy lẫn trò trong mỗi cách lĩnh hội, nghĩa là xác định được đặc trưng của PPDH.

     - Một hoạt động chỉ được coi là hiệu nghiệm khi đảm bảo được sự thống nhất hữu cơ của cả ba yếu tố: mục tiêu, nội dung và PPDH ở từng thời điểm trong suốt quá trình hoạt động. Trong quá trình dạy học cần phải có sự thống nhất rất chặt chẽ ba yếu tố trên. Tuy nhiên mối quan hệ giữa mục tiêu và PPDH trên thực tế thường ít được chú ý bởi lẽ mục tiêu đã chỉ đạo nội dung.

1.3. Lựa chọn phương pháp dạy học cần chú ý đến hứng thú, thói quen của học viên, kinh nghiệm sư phạm của giảng viên

    - Cần chẩn đoán nhu cầu, hứng thú của HV khi lựa chọn các PPDH.

     Đối với việc trình bày thông tin cần ưu tiên lựa chọn các PPDH sử dụng phương tiện nghe nhìn, sử dụng truyền thông đa phương tiện càng tốt.

     Đối với các hoạt động chế biến thông tin cần tổ chức các hoạt động tự phát hiện, phối hợp với làm việc theo nhóm, phát huy càng tối đa tính tích cực, sáng tạo của HV càng tốt.

    - Chú ý thay đổi PPDH và hình thức tổ chức dạy học tránh nhàm chán, gây hứng thú cho HV. Cần thay đổi PPDH sau 15, 20 phút.

    - Ưu tiên lựa chọn các PPDH mà HV, GV đã thành thạo.

     Với các PPDH có ưu điểm tương đương, cần ưu tiên lựa chọn PPDH mà GV và HV đã thành thạo, bởi thực hiện dễ dàng hơn.

1.4. Lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp với điều kiện dạy học

    - Ở đây đề cập đến PPDH diễn ra trong mối quan hệ với các điều kiện vật chất, đặc biệt là thiết bị dạy học (TBDH). Đương nhiên là cần phải lựa chọn PPDH phù hợp với điều kiện của nhà trường, của phòng thí nghiệm, của tình trạng đang có.

    - Trong khuôn khổ điều kiện cho phép, cần chọn thứ tự ưu tiên khả năng tốt nhất.

    - Các TBDH hiện đại không luôn đồng nghĩa với các TBDH đắt tiền. Tính hiện đại của TBDH thể hiện ở việc sử dụng các thiết bị sao cho đạt yêu cầu cao nhất trong việc thực hiện các mục tiêu dạy học, thể hiện rõ tư tưởng sư phạm hiện đại.

2. Lựa chọn phương pháp dạy học ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục

2.1. Chọn những phương pháp dạy học phù hợp để thực hiện mục tiêu dạy học

     Mục tiêu dạy học chủ yếu của các CSĐTBDCBQLGD là: đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, nắm vững tri thức về khoa học quản lý nói chung và khoa học quản lý giáo dục nói riêng, có phương pháp học tập suốt đời, có nhân cách và phẩm chất của người cán bộ quản lý giáo dục nhằm cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao cho Ngành giáo dục và đào tạo [4]. Mục tiêu dạy học này nhằm phát triển năng lực tìm tòi sáng tạo của HV, đồng thời khuyến khích tổ chức các hoạt động tự học của HV phối hợp các PPDH nhằm huy động đồng thời nhiều giác quan của HV tham gia vào quá trình lĩnh hội tri thức.

     Trên lĩnh vực nhận thức, mục tiêu dạy học cần tập trung nhiều vào các mục tiêu: vận dụng, phân tích và tổng hợp tương ứng với các PPDH có tính chất thảo luận, học cá nhân, học tương tác hoặc học trong hành động.

     Trên lĩnh vực tình cảm, mục tiêu dạy học chủ yếu nhằm vào các mục tiêu: phản ứng, đánh giá và sắp xếp, tổ chức giá trị tương ứng với các PPDH có tính chất thảo luận, học tương tác hoặc học trong hành động.

     Trên lĩnh vực tâm vận, mục tiêu dạy học thể hiện rõ ở mục tiêu: giao tiếp và hành vi, ngôn ngữ tương ứng với các PPDH có tính chất thảo luận, học tương tác hoặc học trong hành động.

     Như vậy, những PPDH có tính chất thảo luận, học tương tác hoặc học trong hành động là những PPDH phù hợp đối với thực hiện mục tiêu dạy học ở các CSĐTBDCBQLGD.

2.2. Chọn các phương pháp dạy học tương thích với nội dung học tập của học viên

      Cũng xuất phát từ mục tiêu dạy học chủ yếu của các CSĐTBDCBQLGD là: đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, nắm vững tri thức về khoa học quản lý nói chung và khoa học quản lý giáo dục nói riêng, có phương pháp học tập suốt đời, có nhân cách và phẩm chất của người cán bộ quản lý giáo dục nhằm cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao cho Ngành giáo dục và đào tạo. Chính vì thế, nội dung học tập của HV cũng được biên soạn thiết kế rất công phu để đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên, vì khoa học quản lý nói chung và khoa học quản lý giáo dục nói riêng thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nên mục tiêu dạy học thể hiện trên nhiều nội dung rất phong phú cần phải sử dụng nhiều PPDH khác nhau, ngay cả trong cùng một chuyên đề học tập.

      Mối quan hệ giữa nội dung và PPDH trên thực tế thường ít được chú ý bởi lẽ mục tiêu đã chỉ đạo nội dung. Khi đã biết mục tiêu dạy học thì có thể nhận ra những dạng của nội dung dạy học, từ đó xác định được đặc tính hoạt động của cả thầy lẫn trò trong mỗi cách lĩnh hội, nghĩa là xác định được đặc trưng của PPDH.

     Từ lập luận trên, những PPDH có tính chất thảo luận, học tương tác hoặc học trong hành động cũng là những PPDH tương thích với nội dung học tập ở CSĐTBDCBQLGD.

2.3. Chọn các phương pháp dạy học đáp ứng sự hứng thú, thói quen của học viên, kinh nghiệm sư phạm của giảng viên:

     Nhìn chung, các HV này đều là giáo viên, nhiều HV là cán bộ quản lý, nên hầu như PPDH nào họ cũng đều thành thạo. Chính vì thế, việc lựa chọn PPDH nào của GV là PPDH ưu tiên cũng không ảnh hưởng nhiều đến khả năng tiếp nhận của HV.

     Nhưng lưu ý rằng HV của CSĐTBDCBQLGD là những người lớn tuổi, đa số ở lứa tuổi trung niên và có thâm niên công tác trong lĩnh vực giáo dục trên 10 năm, đã và đang giữ một chức vụ nào đó trong đơn vị (khoảng 70 – 80%) với nhiều kinh nghiệm sống trong hoạt động dạy học, giáo dục, quản lý giáo dục ở nhà trường. Họ có khả năng tự học, họ thích học và biết chọn lọc những nội dung học tập có lợi cho cuộc sống và cho công việc hiện tại và tương lai gần. Số HV còn lại (20 – 30%) là cán bộ kế cận, còn ít kinh nghiệm quản lý nhưng có ưu thế là tuổi đời trẻ hơn, năng động, sáng tạo, tích cực hợp tác với giảng viên trong các hoạt động trên lớp học [2]. Đa số HV có vốn và kinh nghiệm sống, làm việc phong phú; có lòng tự trọng cao, học tập chủ động, tự giác, động cơ, mục đích học tập rõ ràng; Mạnh dạn, tự tin, có kinh nghiệm trong giao tiếp và ứng xử [3]. Chính vì vậy, các GV nên chú trọng đến việc tổ chức các hoạt động dạy học để HV tự nghiên cứu, phát hiện và tự giải quyết vấn đề. Đồng thời cần phối hợp với PPDH thảo luận theo nhóm, phát huy càng tối đa tính tích cực, sáng tạo của HV càng tốt.

     Bên cạnh đó, nhiều HV đã bắt đầu có những biến động về sức khỏe, sức ỳ tâm lý. Đa số vừa học, vừa phải điều hành công việc ở trường, vừa phải thường xuyên lo công việc gia đình. Điều này gây những ảnh hưởng nhất định đến thời gian và sự tập trung tư tưởng cho việc học tập của họ. Một bộ phận HV đi học vì động cơ bên ngoài (do sự phân công của tổ chức, do yêu cầu của việc chuẩn hóa cán bộ quản lý) thường chỉ cố gắng học tập ở mức tối thiểu miễn sao hoàn thành khóa học và có chứng chỉ. Trong lớp học họ thường học tập một cách thụ động, ít tích cực hợp tác với giảng viên và đồng nghiệp [2]. Một bộ phận HV cho rằng mình có có nhiều kinh nghiệm nên thường có tính bảo thủ cao. Một bộ phận HV khác có biểu hiện tự ái, tự ti, mặc cảm vì mình lớn tuổi tiếp thu chậm; khả năng nhận thức hạn chế vì nghe, nhìn kém; ít thời gian học, mệt mỏi và tư tưởng dễ bị phân tán [3]. Do vậy, trong quá trình dạy học GV cần chú ý sử dụng PPDH đàm thoại trực tiếp với các HV này và cứ sau khoảng 15 – 20 phút trên lớp cần phải thay đổi PPDH và hình thức tổ chức dạy học tránh nhàm chán và tạo ra sự hứng thú cho HV.

2.4. Chọn phương pháp dạy học phù hợp với điều kiện dạy học cụ thể

     Hầu như các CSĐTBDCBQLGD đều có cơ sở vật chất và phương tiện dạy học đầy đủ và hiện đại để GV có thể áp dụng các PPDH tích cực. Nên khi giảng dạy ở các cơ sở chính các GV có thể có nhiều phương án để lựa chọn các PPDH, nhất là các PPDH mới miễn là nó phù hợp với mục tiêu dạy học, tương thích với nội dung học tập, kích thích được sự hứng thú, thói quen học tập của HV và kinh nghiệm sư phạm của mình.

     Tuy nhiên, trong thực tế các CSĐTBDCBQLGD thường liên kết mở các lớp bồi dưỡng ở các địa phương, điều kiện về cơ sở vật chất và phương tiện dạy học không đồng nhất, thường là thiếu thốn và lạc hậu. Do vậy, khi lựa chọn PPDH người GV cần căn cứ vào thực tế ở từng địa phương mà linh hoạt áp dụng các PPDH cho phù hợp.

3. Kết luận

      Việc lựa chọn PPDH cần dựa vào các mối quan hệ của PPDH với các yếu tố liên quan. Đó là: mục tiêu dạy học; nội dung dạy học; nhu cầu, hứng thú, thói quen học tập của HV; năng lực, sở trường, kinh nghiệm sư phạm của GV và điều kiện giảng dạy và học tập cụ thể. Đây là những cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng để người GV nói chung và người GV ở các CSĐTBDCBQLGD nói riêng xác định lựa chọn và kết hợp các PPDH phù hợp, sao cho HV của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được học tập với niềm say mê, hứng thú, khát khao tìm tòi khám phá; lĩnh hội tri thức trong các hoạt động học tập tích cực. Người học được chủ động, sáng tạo trong môi trường tương tác, thân thiện, cùng nhau giải quyết các nhiệm vụ học tập cụ thể nhằm đạt được mục tiêu học tập/.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Hữu Chí - Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục (2014), Các căn cứ lí luận và thực tiễn lựa chọn phương pháp dạy học, tusach.thuvienkhoahoc.com/wiki/. Các căn cứ lí luận và thực tiễn lựa chọn phương pháp dạy học.

2. Tạ Thị Hoàng Oanh (2016), Vài kinh nghiệm trong dạy học tích cực cho HV cán bộ quản lý, Hội thảo khoa học “Vận dụng sáng tạo kỹ thuật và phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực của người học” của Khoa QLGD, trường CBQLGD Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 10/2016.

3. Phan Hoàng Văn (2016), Phương pháp nghiên cứu tình huống – Maột phương pháp dạy học hiệu quả, phù hợp với đặc điểm người học ở trường cán bộ quản lý giáo dục, Hội thảo khoa học “Vận dụng sáng tạo kỹ thuật và phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực của người học” của Khoa QLGD, trường CBQLGD Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 10/2016.

4. Website của Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh.

 

TS. Ngô Phan Anh Tuấn - Khoa Quản lý giáo dục

Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh

Tin mới
Lượt truy cập
Đang truy cập:1614983
Đang truy cập: 135
Ban biên tập
Chịu trách nhiệm xuất bản
Hiệu trưởng
TS. VŨ QUẢNG

TRƯỜNG CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Số 7-9 Nguyễn Bỉnh Khiêm - Phường Bến Nghé - Quận 1 - TP.HCM
Tel: 08-3.8291718 Fax: 08-3.8296336 | Website: iemh.edu.vn | Email: cbql.hcm@iemh.edu.vn