Trong không khí sôi động của những ngày Tháng Tư lịch sử – ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc thống nhất, công chức, viên chức Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đã đến thăm Nghĩa trang liệt sĩ nhà giáo (tại Tây Ninh) để tưởng niệm và ôn lại những những truyền thống yêu nước, hào hùng của những nhà giáo cách mạng đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Bia tưởng niệm các liệt sĩ giáo dục được đặt tại đồi 82 thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh đã tạo dấu ấn mạnh mẽ, sâu sắc trong tâm thức của mọi người: Hình tượng một quyển sách rộng mở với cây bút vút thẳng trên trời xanh, biểu tượng cho sự nghiệp của những người làm công tác giáo dục, cho khí tiết của các nhà giáo, những chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hoá - giáo dục.

Từ những ngày đầu kháng chiến, đáp lời kêu gọi của non sông đất nước, của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng ngàn nhà giáo từ khắp mọi miền đất nước đã lên đường vào Nam, vừa dạy học vừa cầm súng chiến đấu, xây dựng nền giáo dục cách mạng và đã có 621 nhà giáo đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước nói chung, sự nghiệp giáo dục miền Nam nói riêng.
Hồi ức về cuộc kháng chiến chống Mỹ gian khổ, ác liệt đã được tái hiện một cách sinh động qua bài Văn bia tưởng niệm Nhà giáo liệt sĩ chiến trường Miền Nam của Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động Vũ Khiêu. Bài văn bia gồm 42 cặp đối, được chia thành 5 phần (Tiếng gọi non sông; Lương tâm nhà giáo; Trách nhiệm công dân; Vì nước hy sinh; Ngàn thu sống mãi). Đây là một áng văn thể phú Đường luật mẫu mực, nhằm tôn vinh công trạng và ca ngợi sự hy sinh anh dũng của các nhà giáo. Với lối văn biền ngẫu cân xứng, nhịp nhàng và ngôn ngữ trong sáng, trang trọng, đẹp đẽ cùng tình cảm tha thiết, sâu sắc, bài văn bia đã tái hiện cuộc chiến đấu gian khổ, khốc liệt, sự hy sinh thầm lặng mà cao cả của đội quân giáo dục, của các nhà giáo cách mạng trong suốt 20 năm chống Mỹ, thống nhất đất nước.
Nào những buổi giao tranh ác liệt, giữa chiến trường thịt nát thân tan
Nào những ngày tra tấn dã man, trong tù ngục xương rơi máu đổ
Nào những lúc tơi bời đạn nổ, lấy thân mình cứu sống em thơ
Nào những khi liên tiếp bom rơi, cùng dân chúng chết trong hầm hố
Nào vị giảng viên đại học: bỗng bỏ mình giữa nửa bài thơ
Nào cô biệt động Sài Gòn: chợt ngã xuống ngay bên hè phố
Giữa đất trời: một dáng đứng hiên ngang!
Trong sống chết: một nụ cười rạng rỡ!
Qua từng câu viết hiện lên rất nhiều gương mặt nhà giáo tiêu biểu của ngành giáo dục nước nhà. Họ vừa làm nhiệm vụ giảng dạy, vừa trực tiếp tham gia chiến đấu và hy sinh: thầy giáo Trần Thế Lộc cùng nhân dân bám trụ đánh địch cũng đã hy sinh ở xã Bảo Chánh, Xuân Lộc, Đồng Nai; cô giáo Dương Lệ Chi ngã xuống lấy thân mình che cửa hầm tránh pháo cho học sinh trong trận càn Đông Dương tháng 5-1970; cô giáo Lê Thị Bạch Cát, thầy giáo Ca Lê Hiến (nhà thơ Lê Anh Xuân) đã tham gia chiến đấu và anh dũng hy sinh trên đường phố Sài Gòn mùa xuân Mậu Thân 1968; hoặc hy sinh trong nhà tù của giặc như các nhà giáo: Huỳnh Thành Phổ, Lê Ưng… Tất cả ở họ đều có những điểm chung là ra đi khi tuổi đời rất trẻ, nhiều người chưa đến tuổi 30, đã dâng hiến cả trí tuệ, tuổi thanh xuân và cả cuộc đời của mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam.
Những nhà giáo đã không còn trở về với bục giảng, với giảng đường đại học, nhưng khí tiết của những con người đó, của những nhà giáo đã quên mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và sự nghiệp giáo dục nước nhà sống mãi ngàn thu với non sông đất nước:
Hiến thân cho nước: sống đã vinh, mà thác cũng vinh
Hết dạ vì dân: mệnh chẳng thọ mà danh lại thọ
Đạo làm thầy mãi mãi nêu cao
Gương trí thức đời đời sáng tỏ!
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã tiến hành cuộc kháng chiến cứu nước lâu dài, gian khổ và vô cùng vẻ vang, với chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ 1954 và Đại thắng mùa xuân 1975 bảo vệ nền độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Đó là thiên anh hùng ca giải phóng dân tộc được viết nên bằng xương máu của nhân dân ta, trong đó có cả xương máu của các liệt sĩ nhà giáo. Trước anh linh của những người đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước luôn nhắc nhở mỗi nhà giáo càng phải xác định vai trò, trách nhiệm của mình để góp phần vào thành công trong đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam.
Trương Văn Tuấn - Khoa Quản lý giáo dục