TẦM NHÌN CỦA NHÀ LÃNH ĐẠO*
Nguyễn Thị Hồng Mai
Tầm nhìn
Tầm nhìn là hình ảnh, là bức tranh tưởng tượng về tương lai của tổ chức, được truyền bá một cách rõ ràng và thuyết phục, là định hướng gắn liền với mọi hoạt động của tổ chức. Tầm nhìn của người lãnh đạo không phải là tuyên bố tầm nhìn của một tổ chức. Sẽ là sai lầm nếu đánh đồng tầm nhìn của tổ chức với tầm nhìn của người lãnh đạo. Bởi vì, một tuyên bố tầm nhìn bản thân nó không thể truyền đạt và dẫn dắt mọi người hành động. Nếu thiếu hành động, một tổ chức chỉ dừng lại ở việc có một tuyên ngôn đẹp ở trên tường, và người lãnh đạo thiếu một tầm nhìn để thuyết phục mọi người cùng hướng tới và hành động.
Tại sao Người lãnh đạo phải có tầm nhìn?
Một nhà lãnh đạo giỏi phải là người có tầm nhìn. Tầm nhìn sẽ là nguồn động lực thúc đẩy, truyền cảm hứng và khuyến khích mọi người cùng tiến lên để đạt được. Người ta có thể dùng tầm nhìn để đánh giá và nhìn nhận xem một người có phù hợp hay xứng đáng với vị trí lãnh đạo của một tổ chức hay không, cụ thể như:
(1) Một người lãnh đạo không có tầm nhìn, tổ chức sẽ không có định hướng chiến lược phát triển rõ ràng. Tổ chức đó, thành viên trong tổ chức đó nếu có thể chỉ hoạt động theo những guồng máy sẵn có. Thành tích tốt nhất mà họ có thể đạt được là bảo toàn những gì mình đã có nếu không nói là có thể đi chậm lại hoặc bị tụt lùi;
(2) Một người lãnh đạo không có tầm nhìn sẽ khó có thể thu phục được người khác, tạo ảnh hưởng với người khác. Và chính bởi việc không thu phục được lòng người một cách chính đáng, họ có thể thu phục mỗi người bằng một “cách riêng”. Và chính cách riêng này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường về sau trong suốt quá trình làm việc, ảnh hưởng không nhỏ đến các quyết sách và hoạt động của tổ chức;
(3) Một người lãnh đạo không có tầm nhìn sẽ thiếu khả năng tạo động lực thúc đẩy người khác. Con người sẽ không thể tiến lên nếu họ không biết họ sẽ phải đi về đâu. Người ta sẽ không có cảm hứng để làm việc nếu như họ không biết họ làm điều đó để làm gì và đạt được gì. Một tổ chức thiếu nhà lãnh đạo có tầm nhìn sẽ giống như một ngôi nhà thiếu sinh khí. Dù mỗi người bằng một cách nào đó đều phải cố tự tạo động lực cho mình nhưng sẽ không bao giờ có thể có một tiếng nói chung, một sự đồng lòng tập thể.
Truyền đạt tầm nhìn
Không phải bất kỳ ai sinh ra cũng đều có ngay mục đích sống của đời mình và không phải bất kỳ một nhà lãnh đạo nào cũng đều có tầm nhìn khi được đảm nhận trọng trách. Tuy nhiên, người ta có thể học cách để đặt ra mục tiêu đúng đắn cho mình. Nhà lãnh đạo, có thể học để trở thành một người lãnh đạo có tầm nhìn. Để trở thành một nhà lãnh đạo có tầm nhìn, trước tiên, người lãnh đạo cần phải xây dựng một tầm nhìn rõ ràng về tương lai. Quan trọng hơn, tầm nhìn này cần được chia sẻ với tất cả mọi thành viên trong tổ chức. Người lãnh đạo phải cho thấy được sự đam mê, lòng nhiệt huyết của mình với đích đến mong muốn. Sẽ không một ai muốn hành động nếu như họ không cảm nhận được sự cam kết và niềm tin vững chắc vào tầm nhìn từ chính người lãnh đạo.
Một trong những khó khăn thường gặp của các nhà lãnh đạo là làm thế nào để có thể truyền tải tầm nhìn một cách hiệu quả tới mọi thành viên trong tổ chức, thuyết phục mọi người tin tưởng và đi theo mình. Dưới đây là một số bước có thể dùng như bài tập luyện kỹ năng truyền đạt tầm nhìn hiệu quả cho các nhà lãnh đạo, quản lý của Debbi Zmorenski.
Bước 1: Suy nghĩ về những thách thức đang đặt ra cho phòng/ban/tổ hay tổ chức của bạn.
Bước 2: Tưởng tượng ra một bức tranh lớn. Hãy vẽ ra một viễn cảnh đẹp với những thành công có được bằng việc nhìn nhận ra vấn đề và các tình huống cải thiện cũng như lợi ích sẽ mang lại cho tổ chức và các thành viên trong tổ chức của bạn. Đây chính là cơ hội để bạn đưa ra một tầm nhìn thực sự cho mình và tổ chức của mình. Hãy nhớ rằng, không có giấc mơ nào là quá lớn hay quá viển vông. Dù nó có thể là một chiếc bánh nhỏ trên bầu trời nhưng kết quả là bạn vẫn đang nhìn thấy nó.
Bước 3: Suy nghĩ xem bạn sẽ truyền đạt mong muốn của mình với người khác như thế nào? Bạn sẽ nói như thế nào? Từ nào bạn sẽ chọn, câu văn nào bạn sẽ trình bày? Bạn sẽ truyền đạt điều đó ở đâu? Khi nào? Với ai? Truyền đạt với tập thể hay nói trực tiếp từng người? Hãy nghĩ xem bạn sẽ đề cập đến những lợi ích mà tổ chức và các thành viên có được như thế nào? Hãy viết ra giấy tất cả những việc cần phải làm.
Bước 4: Thực hành những điều dự định làm đã được viết ra giấy. Hãy tập trao đổi và truyền đạt thông điệp cho chính mình và cho người khác nghe. Nên nhớ rằng cần phải nói một cách thuyết phục và diễn cảm vì nếu chính bạn không tin vào nó thì sẽ không một ai có thể tin vào nó.
Có thể khẳng định rằng, bất kỳ một tổ chức nào cũng đều cần phải có một đích đến để định hướng cho mọi hoạt động và mọi thành viên trong tổ chức. Đó cũng chính là lý do để tổ chức đó tồn tại và hoạt động, là đòn bẩy để tổ chức đó vươn lên một tầm cao mới. Bạn vẫn có thể tồn tại nhưng dậm chân tại chỗ nếu bạn không có tầm nhìn. Và bạn cũng có thể trở thành một nhà lãnh đạo có tầm nhìn nếu thực sự bạn mong muốn và thấy nó có ý nghĩa.
Các trang Web tham khảo
1. Debbi Zmorenski. Why Leader Must Have Vision.
http://www.reliableplant.com/Read/29109/leaders-have-vision
2. First News. Lãnh đạo và tầm nhìn.
http://www.goldsungroup.com.vn/tin-tuc/lanh-dao-va-tam-nhin
* Bài viết được lấy cảm hứng từ chuyến đi nghiên cứu thực tế tại Đà Nẵng vào tháng 3 năm 2016. Chuyến đi đã để lại một ấn tượng khó quên vì những thay đổi về diện mạo, thành tựu và con người của Đà Nẵng. Đọng lại sâu sắc nhất của chuyến đi là hình ảnh các nhà lãnh đạo, quản lý của thành phố Đà Nẵng tại mỗi điểm dừng chân đến làm việc. Những con người dám nghĩ, dám làm với tầm nhìn mới, bởi vì có lẽ thiếu nó, Đà Nẵng đã không thể trở thành một Đà Nẵng như hôm nay.