Vài suy nghĩ về tạo động cơ học tập cho người học

1.Đặt vấn đề

          Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng là nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với các trường nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, trong đó động cơ là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động học tập, tự học của người học. Khi người học xây dựng được cho mình động cơ học tập đúng đắn sẽ học tập một cách tích cực, hứng thú, say mê. Ngược lại, việc học tập mang tính chất đối phó, miễn cưỡng thường xuất phát từ động cơ học tập không phù hợp. Do vậy, nghiên cứu để xây dựng động cơ học tập đúng đắn cho người học là rất cần thiết để nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.

2. Nội dung

2.1. Khái niệm động cơ học tập

          Động cơ trong tiếng Latin là Motif, có nghĩa là nguyên nhân thúc đẩy con người hành động. Nguyên nhân này nằm bên trong chủ thể có thể xuất phát từ nhu cầu sinh lý hay tâm lý (vì đói khát mà con người đi tìm thức ăn, nước uống; vì yêu quý thầy cô mà trẻ học hành…)

          Theo từ điển Tiếng Việt: “Động cơ là những gì thôi thúc con người có những ứng xử nhất định một cách vô thức hay hữu ý và thường gắn liền với những nhu cầu”. [5,32]

          Theo Nguyễn Quang Uẩn: “Động cơ là cái thúc đẩy con người hoạt động nhằm thoả mãn nhu cầu, là cái làm nảy sinh tính tích cực và quy định xu hướng của hướng tích cực đó. Động cơ là động lực kích thích trực tiếp, là nguyên nhân trực tiếp của hành vi”[10,206].

         Theo Phan Trọng Ngọ: “Động cơ học tập là cái mà việc học của họ phải đạt được để thoả mãn nhu cầu của mình. Nói ngắn gọn, học viên học vì cái gì thì đó chính là động cơ học tập của học viên” [3,233].

          Như vậy, động cơ học tập là yếu tố định hướng, thúc đẩy hoạt động học tập, nó phản ánh đối tượng có khả năng thỏa mãn nhu cầu chiếm lĩnh tri thức của người học.

2.2. Sự hình thành động cơ học tập

          Theo Nguyễn Thạc: Tất cả sự kiện, vật chất hay hành động đều trở thành động cơ nếu chúng liên quan đến nguồn gốc tích cực (các nhu cầu) của con người [6,30].

          Theo Phạm Minh Hạc: “Động cơ tâm lý không phải cái thuần tuý bên trong cá thể. Nó phải được vật thể hoá vào đối tượng của hoạt động. Điều đó có nghĩa động cơ phải có một hình thức tồn tại vật chất, hiện thực ở bên ngoài. Với ý nghĩa đó đối tượng của hoạt động là nơi hiện thân của hoạt động ấy”[4,23].

          Theo Piaget: Động cơ là tất cả các yếu tố thúc đẩy cá thể hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu và định hướng cho hoạt động đó. Động cơ tồn tại ở hai dạng: động cơ bên trong và động cơ bên ngoài. Động cơ bên trong của mỗi người được hình thành từ sự thích thú đối với hoạt động học tập nhằm thỏa mãn nhu cầu hiểu biết. Động cơ bên ngoài được hình thành không phải do sự hứng thú của bản thân trong việc học mà là sự hứng thú từ kết quả của việc học tập mang lại (được điểm cao, được khen thưởng, tránh bị phạt, để làm vui lòng ai đó,…) [6,45].

          Willis J. Edmondson cho rằng: Động cơ học tập bên trong do xuất phát từ đam mê, yêu thích, niềm vui và có nhu cầu thực sự, động cơ học tập bên ngoài do chịu tác động của ngoại cảnh như khen ngợi của thầy cô và cha mẹ, môi trường giảng dạy, tài liệu học tập.[13,11]

          Nguồn gốc bên trong của động cơ như: hứng thú, chú ý, ý chí, nhu cầu… trong đó quan trọng nhất là nhu cầu của con người. Nhu cầu gặp được đối tượng có điều kiện thực hiệnsẽ trở thành động cơ. Đối tượng của hoạt động học là những tri thức, kĩ năng, kĩ xảo. Đối tượng này tồn tại bên ngoài chủ thể, có ý nghĩa đối với chủ thể, làm nảy sinh chủ thể nhu cầu chiếm lĩnh nó. Khi nhu cầu chiếm lĩnh đối tượng được chủ thể ý thức sẽ trở thành động cơ thúc đẩy, định hướng, duy trì hoạt động học tập. Như vậy động cơ gắn liền với nhu cầu, mong muốn của cá nhân. Nói cách khác nhu cầu, mong muốn chính là yếu tố bên trong quan trọng hình thành nên động cơ của chủ thể.

          Nguồn gốc bên ngoài của động cơ: giảng viên, nội dung học tập, phương pháp học tập, hình thức tổ chức dạy học, môi trường học tập, gia đình, xã hội… Khi nhu cầu học tập của người học chưa cao thì giảng viên cần phải khai thác và phát huy các thành tố của quá trình dạy học, khơi dậy tính tích cực của người học, chuyển hoá dần động cơ bên ngoài thành động cơ bên trong của người học.

2.3. Giảng viên trong việc tạo động cơ học tập cho học viên

          Để hình thành động cơ học tập cho học viên,vai trò của giảng viên rất quan trọng. Thật vậy, cùng với sự hấp dẫn của nội dung bài học, thì sự vận dụng khéo léo, linh hoạt, phù hợp có hiệu quả các phương pháp dạy học và nhất là cách giao tiếp  thân thiện, nhiệt tình, tôn trọng, nghiêm túc, vui vẻ, quan tâm tới người học… của giảng viên sẽ tạo những cảm xúc dương tính, trở thành động cơ thúc đẩy họ tích cực trong học tập.

          Nội dung bài giảng phù hợp với trình độ, đáp ứng nhu cầu của học viên. Điều này, sẽ cuốn hút học viên vào bài giảng, tạo hứng thú trong học tập, thu hút sự chú ý lắng nghe của họ đối với những vấn đề mà họ quan tâm, họ cần.Giảng viên chia sẻ cùng học viên những kinh nghiệm làm tốt, làm hay của cá nhân, tập thể. Người học rất muốn nghe những kinh nghiệm này. Họ muốn được chia sẻ kinh nghiệm giải quyết tình huống của bạn học, giảng viên. Họ cũng muốn chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của mình trong công việc để giảng viên và lớp cùng tháo gỡ.

          Nội dung bài giảng thể hiện ở những line của giáo án điện tử. Do vậy, trong thiết kế giáo án điện tử cũng cần chú ý: ở mỗi slide bài giảng không quá nhiều chữ, màu sắc đơn giản để tập trung sự chú ý của người học và tiện việc ghi chép những nội dung mà họ thấy cần. Kích cỡ chữ, cách dòng phù hợp giúp cho việc tri giác được dễ dàng… Khai thác hiệu quả công nghệ thông tin trong bài giảng làm nổi bật thông điệp người dạy muốn truyền tải.

          Trong giảng dạy giảng viên nên sử dụng phương pháp thuyết trình cho phù hợp với lớp đông học viên. Khi sử dụng phương pháp thuyết trình, người dạy chú ý tới âm lượng, nhịp điệu trong giọng nói; nên có những ví dụ, liên hệ thực tế, giúp người học liên hệ được kiến thức với kinh nghiệm của bản thân, cần chủ động phát huy kinh nghiệm của người học trong quá trình xây dựng bài học.

          Phương pháp thuyết trình có thể kết hợp với phương pháp vấn đáp bằng hệ thống câu hỏi linh hoạt sẽ tạo được hứng thú cho học viên trong lớp học.Người học với đặc điểm tâm lý là ngại giơ tay phát biểu ý kiến, vì sợ sai, bị đánh giá nên khi xây dựng hệ thống câu hỏi chú ý tới nguyên tắc dạy học “sát đối tượng”. Giảng viên có thể tăng dần mức độ khó của các câu hỏi, tùy từng lớp học, từng học viên mà có những câu hỏi vừa sức, khuyến khích học viên trả lời bằng lời nói, điểm số…kích thích học viên trong học tập.

          Ngoài ra, còn rất nhiều phương pháp tích cực có thể áp dụng trong giảng dạy học viên như thảo luận nhóm, nghiên cứu trường hợp điển hình qua câu chuyện kể, đoạn clip, trò chơi ô chữ, những trò chơi phá “tảng băng”. Những phương pháp này sẽ góp phần tạo sự hào hứng, tạo ấn tượng cho người học nhằm truyền tải nội dung giảng dạy một cách nhẹ nhàng, hiệu quả.

          Giảng viên tùy theo mục tiêu, nội dung bài giảng, khả năng, trình độ người học, trang thiết bị dạy học mà lựa chọn, phối hợp các phương pháp giảng dạy cho phù hợp, tăng cường hoạt động của người học, hướng tới mục tiêu hình thành năng lực cho người học.

3. Kết luận

          Tóm lại, động cơ học tập không có sẵn, cũng không thể áp đặt mà được hình thành dần dần trong quá trình người học đi sâu chiếm lĩnh đối tượng học tập. Từ nhu cầu với các đối tượng học tập, từ những yếu tố bên ngoài mà hình thành nên động cơ thúc đẩy hoạt động học tập của người học. Đối với giảng viên có thể tạo động cơ học tập cho người học thông qua nội dung bài giảng, sử dụng phương pháp, hình thức tổ chức dạy học… nhằm kích thích tính tích cực, tạo hứng thú học tập cho học viên để việc học trở thành nhu cầu không thể thiếu được của người học.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Ngọc Bích (1998), Tâm lý học nhân cách, Nxb Giáo dục, Hà Nội

2. Ngô Minh Duy (2011), Động cơ chọn nghề của học sinh lớp 12 tại một số trường ở Tp.HCM, luận văn Tâm lý học, Tp.HCM

3. Nguyễn Thị Duyên (2015), Động cơ học tập một số môn học thực hành của học viên trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang, Nxb ĐHQG Hà Nội

4. Trần Đức Hiển dịch và Phan Thăng hiệu đính (2006), Tâm lý học, nguyên lý và ứng dụng, NXB Lao động Xã hội.

5. Nguyễn Trọng Nhân, Trương Trọng Thủy (2014), Những nhân tố ảnh hưởng đến động cơ học tập của sinh viên ngành Việt Nam HọcTrường Đại học Cần Thơ, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ số 33 – 2014

6. Trịnh Quốc Thái (1996), Nghiên cứu động cơ học tập của học sinh lớp 1 dưới ảnh hưởng của phương pháp nhà trường, Luận án PTS Khoa học sư phạm – Tâm lý, Hà Nội

7. Huỳnh Mộng Tuyền (2015), Động cơ học tập của sinh viên trường Đại học Đồng Tháp, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội

8. Trần Quốc Thành (2015), Thực trạng động cơ đi học lý luận chính trị của học viên Trường chính trị tỉnh Hà Nam, NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội

9. Trần Thị Thìn (2004), Động cơ học tập của sinh viên sư phạm - thực trạng và phương hướng giáo dục, Luận án TS Tâm lý học, Hà Nội

10. Nguyễn Quang Uẩn (chủ biên),2003, Giáo trình Tâm lý học đại cương, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội

11. http://www. Tamlyhoc.net

ThS. Lê Khánh Vân – Giảng viên Khoa Tâm lý Giáo dục

TRƯỜNG CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Số 7-9 Nguyễn Bỉnh Khiêm - Phường Bến Nghé - Quận 1 - TP.HCM
Tel: 08-3.8291718 Fax: 08-3.8296336 | Website: iemh.edu.vn | Email: cbql.hcm@iemh.edu.vn