Trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, xã hội và ngành giáo dục đang dành sự quan tâm rất lớn đối với việc thực hiện thay đổi chương trình và sách giáo khoa ở nhà trường phổ thông. Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, ngành giáo dục đã và đang tăng cường tổ chức cho đội ngũ giáo viên học tập, bồi dưỡng về chuyên môn theo một lộ trình rất cụ thể. Tuy nhiên, chất lượng học tập bồi dưỡng của đội ngũ giáo viên lại được quyết định bởi một phần không nhỏ đó là tinh thần, thái độ, nề nếp học tập của người học hay nói cách khác là văn hóa học tập của các thầy cô giáo. Đây là một thành tố của môi trường sư phạm, vấn đề cần chú trọng xây dựng phát triển ở các nhà trường, đặc biệt là trường phổ thông trong giai đoạn hiện nay.
Học tập là hoạt động được hiểu ở phạm vi bài viết này bao gồm hoạt động học tập trong các khóa đào tạo, bồi dưỡng. Vậy, văn hóa học tập nên hiểu như thế nào và vì sao phải xây dựng văn hóa học tập cho đội ngũ giáo viên?
Nếu văn hóa nhà trường được quan niệm là “Tập hợp các giá trị cơ bản, chuẩn mực đạo đức, phương tiện và các mẫu hành vi qui định cách thức mà cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh trong nhà trường tương tác với nhau và đầu tư năng lực vào công việc của mình và vào việc thực hiện nhiệm vụ của nhà trường nói chung” [1, trang 7] thì văn hóa học tập cũng được hiểu theo cách tiếp cận từ đó. Như vậy, có thể nói: văn hóa học tập là những giá trị cơ bản, chuẩn mực quy định cách thức mà người học hành xử trong quá trình học tập, sau quá trình học tập nhằm góp phần nâng cao tri thức, kĩ năng của bản thân góp phần thực hiện nhiệm vụ của nhà trường và đáp ứng yêu cầu của xã hội. Nói đến văn hóa học tập là nói đến tinh thần học hỏi, mục đích học tập, động cơ và nề nếp học tập, niềm khát khao tiếp cận những điều mới. Giáo viên có văn hóa học tập tích cực khi bản thân họ mong muốn có cơ hội học tập để khơi dậy ý tưởng mới của bản thân nhằm khám phá những gì chưa rõ, chưa biết và cần phải học tập để tiến bộ hơn nhằm thực hiện chương trình mới thành công. Người giáo viên có văn hóa học tập tốt thì chất lượng những buổi đào tạo bồi dưỡng mới được đảm bảo, từ đó có thể để đáp ứng được việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa.
Học tập sẽ giúp đội ngũ giáo viên linh hoạt và có khả năng thích ứng trước sự thay đổi của chương trình, sách giáo khoa mới và nhiều yêu cầu khác của công việc. Từ đó nhà trường sẽ có năng lực đổi mới để đảm bảo chất lượng giảng dạy theo yêu cầu trong giai đoạn phát triển giáo dục. Lĩnh vực kinh doanh sản xuất đã có nhiều nghiên cứu đến lợi ích của văn hóa học tập của tổ chức. Theo báo cáo của Hiệp hội phát triển tài năng, các doanh nghiệp hàng đầu có tỷ lệ về hiện hữu văn hóa học tập cao gấp 5 lần so với các doanh nghiệp còn lại. Jack Welch, cựu chủ tịch và CEO của General Electric cho rằng lợi thế cạnh tranh cuối cùng của một doanh nghiệp là khả năng học hỏi và nhanh chóng biến việc học tập thành thực tiễn [2].
Thực tế, khoảng 10 năm gần đây, trong quá trình đổi mới giáo dục, đặc biệt sự thay đổi về cơ chế chính sách của nhà nước về giáo dục, đội ngũ giáo viên đi học rất nhiều song song với nhiệm vụ giảng dạy. Họ được học nâng cao trình độ để đạt chuẩn, nâng chuẩn trình độ đáp ứng chuẩn nhà trường; họ học rất nhiều các lớp bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, chức danh nghề nghiệp, các lớp phương pháp dạy học, ngoại ngữ, tin học, các lớp quản lý của ngành giáo dục, quản lý nhà nước, các lớp nâng hạng và tập huấn thay sách giáo khoa…Chưa khi nào trong lịch sử của ngành giáo dục Việt Nam, người giáo viên được yêu cầu phải học tập nhiều đến như vậy. Điều này vừa là cơ hội cho đội ngũ giáo viên nhưng cũng là thách thức. Nhà giáo sẽ có cơ hội được tiếp cận với rất nhiều nguồn tri thức phong phú để nâng cao kiến thức và kỹ năng. Họ cũng có nhiều cơ hội đạt được bằng cấp theo yêu cầu của xu thế. Tuy nhiên, những thách thức đến với họ cũng không ít. Hầu hết đội ngũ giáo viên trong thời gian đi học vẫn thực hiện đầy đủ nhiệm vụ tại nhà trường. Họ vẫn đảm bảo số tiết theo quy định và rất nhiều các nhiệm vụ kèm theo. Gần như các ngày cuối tuần họ dành cho việc học thêm, bồi dưỡng thêm, vì vậy, về sức khỏe thể chất và tinh thần của người giáo viên ảnh hưởng nhiều. Ở nhiều trường hợp, học tập trở thành gánh nặng đối với nhà giáo; một hoạt động tưởng chừng là nhu cầu của họ bỗng trở thành áp lực ảnh hưởng đến chất lượng công việc, chất lượng cuộc sống của họ. Qua trao đổi với một số giáo viên và cán bộ quản lý trường học tại thành phố Hồ Chí Minh như: Trung học cơ sở Võ Trường Toản quận 1, Trung học cơ sở Minh Đức quận 1, Trường Tiểu học Phan Văn Hân, Quận 3, Trường Mầm non Nguyễn Cư Trinh quận 1, Trường mầm non Hoàng Anh quận Tân Phú…, chúng tôi được biết thực tế giáo viên tham gia rất nhiều khóa học, nhiều hình thức học. Họ thường học vào buổi tối và ngày nghỉ cuối tuần; các đơn vị tổ chức đào tạo bồi dưỡng cũng bố trí ngày đó để đáp ứng nhu cầu học viên. Hơn nữa, một số giáo viên được cử đi học 2 đến 3 lớp trong cùng một thời gian. Với lịch trình hoạt động đó, họ luôn cố gắng nhất có thể, tuy nhiên không tránh khỏi sự mệt mỏi cả về tinh thần và thể chất. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến nề nếp học tập của giáo viên trở nên ngày một kém. Rất nhiều lớp học có học viên đi trễ về sớm, nghỉ học do công việc ở trường, do trùng lịch học… Tất cả lý do trên làm cho hiệu quả của hoạt động học tập, bồi dưỡng bị giảm sút. Sự lãng phí sức lực, thời gian và kinh phí là một phần nhưng điều đáng cảnh tỉnh ở đây là văn hóa học tập giảm sút. Khi một người có thói quen thiếu nghiêm túc với việc học, học cho có chứng chỉ bằng cấp, đi học cho có sự hiển diện, đi trễ, về sớm, làm bài cho đủ quy định…sẽ tạo nên ý thức xấu và có hậu quả lâu dài. Trong thực tế, có rất nhiều giáo viên có chứng chỉ, bằng cấp ngoại ngữ đạt chuẩn nhưng không thể sử dụng được ngoại ngữ trong công việc, có chứng chỉ tin học nhưng ứng dụng công nghệ thông tin rất hạn chế… Nhìn chung, đây là những biểu hiện đi ngược lại với văn hóa học tập. Những thói quen xấu trong học tập sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng các đợt tập huấn, bồi dưỡng thay sách giáo khoa và thực hiện chương trình phổ thông mới.
Vì vậy, chúng ta cần thiết phải có một số biện pháp quản lý góp phần xây dựng văn hóa học tập cho đội ngũ giáo viên tại các nhà trường để nâng cao chất lượng các khóa đào tạo bồi dưỡng cho giáo viên như sau:
Thứ nhất, cán bộ quản lý nhà trường cần chủ động và quan tâm đến việc học tập của đội ngũ giáo viên nhân viên trong nhà trường, thiết lập chiến lược phát triển tập thể sư phạm.
Thứ hai, nhà trường cần xây dựng động cơ học tập đúng đắn cho đội ngũ giáo viên đồng thời khơi dậy tinh thần, ý thức học tập của giáo viên; khuyến khích tự học và tự bồi dưỡng trong đội ngũ.
Thứ ba, mỗi cán bộ quản lý phải là tấm gương luôn tự học, tích cực học tập, học tập nghiêm túc và vận dụng hiệu quả học tập vào trong công tác quản lý. Thái độ học tập của cán bộ cốt cán nhà trường sẽ định hình lên văn hóa học tập của giáo viên.
Thứ tư, trong quá trình thực hiện chương trình sách giáo khoa mới, các nhà quản lý cần xác định các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng hướng tới nhu cầu của người giáo viên và yêu cầu thực tiễn cho chuyên môn, cho đổi mới chương trình, tăng cường hoạt động bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Thứ năm, nhà trường cần quán triệt về tinh thần thái độ của giáo viên khi tập huấn, bồi dưỡng chương trình sách giáo khoa mới; lên kế hoạch tổ chức báo cáo, thực hiện soạn giảng ngay sau tập huấn.
Tóm lại, xây dựng văn hoá học tập trong một tổ chức không phải là việc có thể làm trong 1 ngày, 1 tuần, 1 tháng mà cần một quá trình để thay đổi, củng cố ý thức và thói quen. Những ý thức tích cực về học tập, các hành vi tốt đẹp trong hoạt động học tập cần được trân trọng, ca ngợi và phát huy. Chỉ khi người giáo viên có văn hóa học tập tích cực thì mọi sự thay đổi trong công việc sẽ có cơ hội thành công. Đổi mới giáo dục nói chung và đổi mới chương trình, sách giáo khoa nói riêng sẽ trở nên thuận lợi nếu các nhà giáo có tinh thần thái độ học tập nghiêm túc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
-
Nguyễn Tiến Hùng (2010), Báo cáo đề tài cấp Bộ B2008 -37-56 “Lý luận phát triển văn hóa nhà trường phổ thông”, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Trang 7.
-
https://cv.com.vn/blog/learning-culture-la-gi-5-bi-quyet-co-vu-van-hoa-hoc-tap-trong-doanh-nghiep/
ThS. Nguyễn Thị Thu Hương. Gv Khoa Quản lý giáo dục