Danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm

         Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh toạ lạc trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, một con đường đẹp mang nhiều dấu ấn đặc trưng của Thành phố phương Nam tràn nắng gió. "Ôn cố tri tân", kỷ niệm 42 năm ngày thành lập Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh (24/3/1976 - 24/3/2018), chúng ta cùng tìm hiểu vài nét về danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm.

         Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) hiệu là Bạch Vân am cư sĩ, thường được tôn xưng là Tuyết Giang phu tử. Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491, ở làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, Hải Dương (Cổ Am, Vĩnh Bảo, Hải Phòng).

Hình 1: Tượng đài Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm tại khu di tích đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm tại xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng.

         Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 16. Ông được biết đến nhiều vì tư cách đạo đức, tài thơ văn của một nhà giáo có tiếng thời kỳ Nam-Bắc triều (Thời kỳ Lê-Mạc phân tranh) cũng như tài tiên tri các tiến triển của lịch sử Việt Nam. Với góc nhìn toàn diện lịch sử Việt Nam thế kỷ 16, nhiều người đã gọi Nguyễn Bỉnh Khiêm là “cây đại thụ văn hóa dân tộc”, hay nói theo cách khác, ông đã được xem là đại diện tiêu biểu nhất của lịch sử phát triển văn hóa Việt Nam trong thế kỷ nhiều biến động lớn này.

         Nguyễn Bỉnh Khiêm được nhiều nhà nghiên cứu văn học Việt Nam đánh giá là người xứng đáng kế thừa và phát triển ngôn ngữ thi ca dân tộc kể từ sau thời Nguyễn Trãi, góp phần hoàn thiện thi ca dân tộc dưới thời Nguyễn Du. Hai tập thơ của ông là Bạch Vân am thi tập (chữ Hán) và Bạch Vân quốc ngữ thi tập (chữ Nôm) được coi là thành tựu lớn của thơ văn trung đại Việt Nam, mở đầu cho một dòng thơ ca “chạm chân vào hiện thực”, đã quan tâm mô tả xã hội dưới góc nhìn đời tư và đời thường, là một cống hiến lớn của văn học thời Mạc đối với tiến trình phát triển và hoàn thiện của thơ văn dân tộc. Danh sĩ thời nhà Nguyễn là Phan Huy Chú trong bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí ở phần Văn tịch chí cũng gần như có chung quan điểm với Vũ Khâm Lân khi nhận xét về thơ văn Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “thanh tao, tiêu sái, hồn hậu, phong nhã, có ý thú tự nhiên”.

         Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng có thể là người đầu tiên trong lịch sử nhắc đến hai chữ Việt Nam – với tư cách là quốc hiệu của dân tộc – một cách có ý thức nhất thông qua di sản thơ văn của ông còn lưu lại đến ngày nay.

         Nhà nghiên cứu Trần Khuê trong tham luận hội thảo khoa học “Nguyễn Bỉnh Khiêm trong lịch sử phát triển văn hóa dân tộc” năm 1991 đã có những đúc kết tinh tế về cuộc đời cũng như tư tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Nguyễn Bỉnh Khiêm xuất thân từ cửa Khổng, ông đi ngang qua sân nhà Lão tử, rồi dừng lại trước cửa Thiền, suy ngẫm về giáo lý và đạo lý, cuối cùng ông đã trở về với đồng ruộng và lũy tre xanh của làng quê Việt Nam, hay nói khác đi, ông đã trở về với dân tộc. Suốt đời ông, ông đã sống như mình cần sống và đã hành động như mình cần hành động.”

Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.

(Bài thơ Nhân tình thế thái – Cảnh nhàn của Nguyễn Bỉnh khiêm)

         Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nổi tiếng với vô số tài năng, chẳng thế mà ông được vua quan các triều trọng dụng. Tài chính trị, ngoại giao lỗi lạc, đạo đức thanh cao, tấm lòng vàng ngọc với dân của ông là minh chứng ngời ngời cho một danh nhân đất Việt. 

Hình 2: Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh tọa lạc tại số 7 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

          Tên của danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được lấy đặt cho nhiều con đường, trường học ở Việt Nam. Tại Hải Phòng có một con phố mang tên Trạng Trình và con đường mang tên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm thuộc phường Bến Nghé, Quận 1 (được đổi từ tên đường Angier vào năm 1955) là một trong những con đường lưu giữ nhiều giá trị lịch sử - văn hoá - kiến trúc bậc nhất của Thành phố, bao gồm những công trình tiêu biểu như Thảo Cầm Viên Sài Gòn, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đền thờ các vua Hùng… 

Tài liệu tham khảo:

1. Danh nhân Văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, NXB Thông tấn, 2012

2 https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguyễn_Bỉnh_Khiêm

Tin và hình: ThS. Chu Phương Diệp - GĐ. Trung tâm Khảo thí và đảm bảo chất lượng GD&ĐT

TRƯỜNG CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Số 7-9, Nguyễn Bỉnh Khiêm - Phường Bến Nghé - Quận 1 - TP. Hồ Chí Minh
Tel: 0283 8291718 | Hotline: 0829 84 88 89 - 0764 14 79 79
Website: iemh.edu.vn | Email: cbql.hcm@iemh.edu.vn