Phần mềm “Thư viện số” - xu hướng của thư viện tương lai

         Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm thay đổi cách thức hoạt động của thư viện truyền thống, mở đường cho xu hướng thư viện số trong tương lai. Các yêu cầu đặt ra đòi hỏi hoạt động thông tin – thư viện cần phải tiếp tục, kế thừa, củng cố hoạt động truyền thống; vừa phải tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới để ứng dụng và phát triển những thành tựu khoa học công nghệ, thông tin và truyền thông mới. 

        Việc tiếp cận, giúp các Trung tâm thông tin tư liệu, hệ thống thư viện chủ động trong tổ chức hoạt động thông tin-thư viện của đơn vị; và quan trọng nhất là chuyển đổi, ứng dụng đa dạng giải pháp theo xu thế công nghệ, tận dụng tối đa các tiện ích công nghệ thông tin – truyền thông để tăng cường tiếp cận độc giả và giải đáp những đòi hỏi từ phía người đọc, người dùng.

        Không gian mới – phương thức tiếp cận và chia sẻ tài nguyên

        Sự bùng nổ và gia tăng nhanh chóng nội dung số đã dẫn đến xu thế phát triển tài liệu ở dạng điện tử. Tài liệu chuyển dịch từ in sang định dạng số theo nhiều cách: 

        Một là, xuất bản điện tử. Hiện nay, hầu hết các tạp chí khoa học và nghiên cứu, ấn phẩm nhiều kỳ, sách, âm nhạc và phim ảnh, tất cả những nội dung điện tử đều có xu hướng xuất bản chung này. Đặc biệt, những ấn phẩm nhiều kỳ là dạng tài liệu hướng tới dưới dạng số sớm nhất. Nhiều thư viện đã và đang trải qua sự dịch chuyển, tạp chí khoa học và nghiên cứu từ dạng in sang dạng xuất bản điện tử. 

        Nhiều trường học và cơ quan nghiên cứu thay vì mở rộng các ấn phẩm nhiều kỳ, chuyển sang đóng tập các sản phẩm hay cơ sở dữ liệu, tạp chí điện tử. Trong lĩnh vực xuất bản tài liệu nghiên cứu và học thuật, xuất bản truy cập mở (Open Access Publishing), cho phép tác giả chi trả phí xuất bản để hỗ trợ truy cập miễn phí tới tài liệu hay ấn phẩm nhiều kỳ xuất bản theo mô hình này.

        Hai là, số hóa tài liệu. Các bản thảo, hình ảnh và nhiều tài liệu nghiên cứu có tính lịch sử đang được số hóa. Công nghệ số mở ra khả năng tiếp cận dễ dàng đến những kho tài liệu khi mà những tài liệu này bị bó hẹp bởi khả năng tiếp cận theo cách truyền thống. Sách cũng sẽ thay đổi hoàn toàn. Tất cả sách đã được xuất bản sẽ được số hóa. Nhiều dự án số hóa khối lượng lớn đang diễn ra.

        Tỷ lệ tài liệu điện tử, tài liệu truyền thống trong thư viện thay đổi theo hướng nghiêng về phát triển tài liệu điện tử. Các thư viện phát triển tài liệu điện tử theo 3 cách: 1) Tự tiến hành số hóa nguồn tư liệu in của thư viện, 2) Bổ sung, tích hợp nguồn tin điện tử thông qua việc mua, trao đổi tài liệu điện tử đang được xuất bản và 3) Xây dựng các liên kết (tạo khả năng truy cập) đến các nguồn tài liệu trực tuyến trên Internet.

        Nguồn tài liệu trực tuyến là các loại hình sản phẩm, dịch vụ thông tin tương ứng được chú trọng phát triển với gia tốc ngày càng cao và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Các thư viện xây dựng dữ liệu (data) bao gồm các sáng kiến mới và cơ hội hợp tác mới giúp thư viện nâng cao năng lực và hiệu quả kiểm soát dữ liệu. Thư viện chú trọng sự hợp tác, liên kết với giới nghiên cứu, các trung tâm lưu trữ dữ liệu, các nhà xuất bản và các tạp chí khoa học để có thể sử dụng chung nguồn dữ liệu khổng lồ nhằm phục vụ việc học tập, nghiên cứu, giảng dạy. Thư viện cũng sẽ liên kết với các đối tác khác để tăng khả năng tạo ra hay tái sử dụng các dữ liệu khoa học.

        Không gian thư viện truyền thống chủ yếu được dành cho việc lưu giữ sách, tạp chí. Khi các thư viện chuyển dịch hoàn toàn vốn tài liệu từ dạng in sang dạng số, các tài liệu truyền thống sẽ được lưu giữ dưới hình thức nén lại, các loại dịch vụ hỗ trợ các hoạt động khoa học khác sẽ được chú trọng chuyển tới các không gian mới mà thư viện có thể sử dụng để phục vụ người dùng tin.

        Không gian thư viện thế hệ mới, vì thế, sẽ là nơi cung cấp việc truy cập các sách, tạp chí điện tử thay vì các tài liệu in. Không gian thư viện dần dần hạn chế lưu giữ các nguồn tin truyền thống, dành tối đa không gian cho người dùng tin học tập, nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ thông tin với nhau. Không gian thư viện thay đổi theo hướng sẵn sàng các khả năng tích hợp với các dịch vụ hỗ trợ công tác nghiên cứu, đào tạo theo yêu cầu của người dùng tin. Và mở một phần không gian đáp ứng nhu cầu thông thường của người dùng tin như quán cà phê, khu vực giải trí, trao đổi thông tin cá nhân… Máy in 3D, truyền thông Labs và không gian cộng tác, nơi mọi người có thể cùng nhau làm việc trong các khu vực riêng biệt cho công việc và nghiên cứu yên tĩnh là những cách thức khác khiến cho không gian thư viện thu hút người dùng tin.

        Thư viện thời kì công nghệ 4.0

        Nhắc đến thư viện, không ít người trong chúng ta đều nghĩ đến hình ảnh những tập tài liệu chất đống, giấy tờ xếp ngổn ngang,... Mỗi khi cần tìm kiếm, những thủ thư lại lần mò trong những cuốn sổ ghi chép thủ công đã sờn mép, vất vả và khó khăn vô cùng.

        Trong nền kinh tế tri thức hiện nay, chức năng của thư viện đang ngày càng thay đổi, không còn chỉ gói gọn trong việc lưu trữ và cho mượn sách. Thêm vào đó, các thư viện trở thành một môi trường học tập và trung tâm kiến thức cho người dùng tin, cũng như phổ biến kiến thức cho đối tượng dùng tin ở bất kỳ đâu và thủ thư phải là người hướng dẫn tìm kiếm kho tri thức đó. Khối lượng tài liệu, giấy tờ, sách vở trong mỗi thư viện ngày càng gia tăng theo cấp số nhân, đặt ra thách thức trong hoạt động của các thư viện ngày nay.

        Kỷ nguyên công nghệ 4.0 mở ra một thời đại mà ở đó sách và tài liệu giấy không còn ở vị trí độc tôn. Các thư viện đã không còn là sự lựa chọn duy nhất khi muốn tìm kiếm và tra cứu thông tin. Cùng với đó, con người trong xã hội hiện đại ngày càng có xu hướng sử dụng các tài liệu điện tử, số hóa với vô vàn lợi ích vượt trội. Tất cả làm đe dọa đến sự tồn tại và phát triển của các thư viện truyền thống.

        Phần mềm thư viện số - Xu hướng của thư viện tương lai

        Thư viện số hay còn gọi là thư viện điện tử là nguồn thông tin được cung cấp cho người đọc ở dạng số. Thư viện số là nơi không chỉ cho bạn đọc tra cứu danh mục mà còn đọc toàn văn, tải về toàn văn các sách, tư liệu giữa các thư viện số. Ngoài ra, nó cho phép độc giả truy cập bất cứ nơi đâu khi họ có thiết bị kết nối với Internet, tăng khả năng truy tìm thông tin, giảm thời gian đi lại và chi phí làm thẻ thư viện.

        Với các phần mềm thư viện số phổ biến hiện nay, đã qua cái thời mà các thủ thư phải làm việc hàng ngày với đống giấy tờ tài liệu, tất cả chỉ được ghi chép và quản lý trong những quyển số thủ công. Trong kỷ nguyên thông tin, vai trò của thủ thư thay đổi nhanh chóng. Họ sẽ phải trở thành những nhà tổ chức và chuyên gia thông tin trong xã hội. Những “thủ thư số” sẽ là người lựa chọn, bổ sung, bảo quản, tổ chức và quản lý các bộ sưu tập số, thiết kế kết cấu kỹ thuật cho thư viện số, mô tả nội dung và thuộc tính của đầu mục hoặc đối tượng, lập kế hoạch, thực hiện và hỗ trợ các dịch vụ số như định hướng thông tin, tư vấn và chuyển giao… Tất cả sẽ khiến công việc của các “thủ thư số” trở nên tiện lợi và nhanh chóng rất nhiều.

        Không thể phủ nhận, việc sử dụng những phần mềm thư viện số là một xu hướng của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trong giai đoạn bùng nổ thông tin hiện nay. Thư viện số sẽ làm thay đổi cơ bản phương thức hoạt động của thư viện, từ thu thập, xử lý tài liệu, phục vụ người đọc đồng thời tạo ra các sản phẩm thông tin có giá trị nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của người dùng tin.

        Tuy vậy, công tác số hóa hoạt động của các thư viện cũng đặt ra những bài toán thách thức yêu cầu cho các thư viện truyền thống hiện nay. Việc áp dụng rộng rãi các phần mềm thư viện số đòi hỏi các thư viện phải có sự đầu tư về công nghệ, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện nguồn tài liệu điện tử trong đó có nguồn tài liệu được số hoá. Cán bộ thư viện cần được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng làm việc trong các thư viện số, từ đó trở thành cầu nối giữa bạn đọc với kho dữ liệu số tiềm tàng này.

        Kết luận

        Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang ngày càng phát triển mạnh mẽ như hiện nay, xu hướng sử dụng phần mềm thư viện số là một điều tất yếu. Chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin tuy gặp nhiều rào cản bước đầu, nhưng trong tương lai việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng như các phần mềm thư viện số trong hoạt động số hóa tài liệu và chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin ở các thư viện Việt Nam đang mở ra một hướng đi mới cho sự hợp tác.

Như vậy, thực tế cho thấy, kiến thức và kỹ năng ngành thư viện không chỉ được áp dụng cho duy nhất công việc tại các đơn vị có chức năng thông tin-thư viện mà còn mở rộng và hỗ trợ cho nhiều công việc mà kỷ nguyên số đang đòi hỏi hướng tới.

Dương Bá Khanh, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư viện

Tài liệu tham khảo

1. Tài liệu Hội thảo“Thư viện số hướng đi của tương lai”, tháng 10 năm 2017 tại ĐH RMIT, quận 7, TP. Hồ Chí Minh

2. Tài liệu Hội thảo“Tác dộng của cuộc cách mạng 4.0 đến hoạt động thông tin - thư viện” tháng 12 năm 2017 tại ĐH Đà Nẵng,

3. Giới thiệu “Thư viện số”, Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP. Hồ Chí Minh

4. thuvienso.iemh.edu.vn

TRƯỜNG CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Số 7-9 Nguyễn Bỉnh Khiêm - Phường Bến Nghé - Quận 1 - TP.HCM
Tel: 0283 829718 | Website: iemh.edu.vn | Email: cbql.hcm@iemh.edu.vn