VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG HƯỚNG TỚI MỘT XÃ HỘI HỌC TẬP

Việt Nam là một thành viên của tổ chức Thương mại Thế giới (WTO - World Trade Organization) và thực hiện Hiệp định chung về thương mại và dịch vụ thế giới (GATS - General Agreement on Trade in Services), trong đó giáo dục được thừa nhận là một lĩnh vực dịch vụ. Giáo dục cung ứng cho nền kinh tế tri thức nguồn nhân lực có đủ năng lực và phẩm chất cần thiết để xây dựng và phát triển xã hội, đồng thời, mỗi cá nhân phải không ngừng học hỏi để tự hoàn thiện chính mình. Xã hội học tập vì thế trở thành một nhu cầu gắn với phát triển. Bài viết tìm hiểu một số vấn đề cơ bản của xã hội học tập và góc độ quản lý nhà trường phổ thông hướng tới một xã hội học tập.

1. Một số vấn đề về xã hội học tập và xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam

Ủy ban quốc tế về phát triển giáo dục thế kỷ XXI của UNESCO đã nghiên cứu những quan hệ giữa giáo dục và xã hội với quan điểm: “Giáo dục như là sự phản ánh của xã hội và là nhân tố cải biến xã hội”. Từ cách tiếp cận này và tầm nhìn xa rộng về nền kinh tế tri thức (Knowledge Economy), các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng công cuộc cải cách giáo dục ở các quốc gia phát triển phải tập trung vào hai khái niệm luôn gắn kết chặt chẽ, không thể tách rời: Học tập suốt đời (Lifelong Learning) và xã hội học tập (Learning Society). Nền giáo dục phải hướng vào việc đào tạo nguồn nhân lực năng động, được phát huy cao độ năng lực sáng tạo trên cơ sở nền tảng là những quyền con người. Họ phải có năng lực tự học để học tập suốt đời bằng nhiều cách thức khác nhau, phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Như vậy, học tập suốt đời đồng thời với việc tự học và học cách học. Xã hội tri thức cũng là xã hội học tập. Với mục tiêu để xã hội tri thức phát triển bền vững, từ năm 2005, trong Báo cáo thế giới, UNESCO đề nghị phải thiết lập một “xã hội học tập, giáo dục suốt đời cho tất cả mọi người, bảo tồn đa dạng tri thức, trên cơ sở của nguyên tắc tối cao là thực hiện quyền tiếp cận thông tin và tri thức phổ biến cho tất cả mọi người” [1, tr. 15]. Ở Việt Nam, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X chỉ rõ: “Chuyển dần mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập với hệ thống giáo dục suốt đời, đào tạo liên tục, liên thông giữa các bậc học, ngành học, xây dựng và phát triển hệ thống học tập cho mọi người và những hình thức học tập, thực hành linh hoạt, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, tạo nhiều khả năng, cơ hội khác nhau cho người học, bảo đảm sự công bằng xã hội trong giáo dục” [2, tr. 95].

Tầm nhìn giáo dục Việt Nam đến 2020 là một nền giáo dục thoát khỏi tình trạng tụt hậu so với giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, trở thành một nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, làm nền tảng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững đất nước, thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hướng tới một xã hội học tập và có khả năng hội nhập quốc tế. Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 9/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” quy định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng xã hội học tập. Trong đó có các nội dung:

  • Hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn.
  • Nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, vai trò, lợi ích của việc xây dựng xã hội học tập.
  • Tổ chức các hoạt động học tập suốt đời thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ.
  • Triển khai các biện pháp hỗ trợ người học nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập suốt đời.

Nhận thức rõ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng xã hội học tập để mỗi tổ chức xác định chương trình hành động của mình. Trường phổ thông không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức, kỹ năng cơ bản mà còn là môi trường tác động lớn nhất đến việc hình thành nhân cách của thế hệ trẻ. Với vai trò quan trọng đó, trường phổ thông cần phải không ngừng đổi mới và phát triển để giáo dục thế hệ trẻ đáp ứng các yêu cầu xã hội. Nhà diễn thuyết nổi tiếng của Mỹ Les Brown nói rằng: “Bạn không thể mong đạt được những mục tiêu mới hay vượt qua hoàn cảnh hiện tại nếu bạn không thay đổi”. Mục tiêu của chúng ta là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, xây dựng một nền giáo dục mở, học tập suốt đời gắn với xây dựng xã hội học tập.

2. Một số năng lực và kỹ năng của học sinh phổ thông cần được hình thành và phát triển để xây dựng xã hội học tập

Cuộc sống vận động và biến đổi không ngừng theo các quy luật của tự nhiên và xã hội, đòi hỏi con người phải thích ứng để tồn tại và phát triển. Kỹ năng là năng lực hay khả năng chuyên biệt của một cá nhân về một hoặc nhiều khía cạnh nào đó được sử dụng để giải quyết tình huống hay công việc nào đó phát sinh trong cuộc sống [3]. Trong xã hội học tập mọi người cần có năng lực tự học và kỹ năng sống. Những năng lực và kỹ năng này được hình thành từ lứa tuổi học sinh và trường phổ thông là nơi tốt nhất giúp các em hình thành và rèn luyện các kỹ năng đó.  

Năng lực tự học

Tự học là chủ động phát triển vốn tri thức cho bản thân, tiếp thu các kinh nghiệm. Tự học với các điều kiện sống của mình và yêu cầu của sự phát triển xã hội. Tự học bằng chính những trải nghiệm của bản thân qua thực tiễn học tập, làm việc, sinh hoạt tập thể. Tự học là học ở mọi nơi, mọi lúc – học ở trong lớp học, học ở thư viện, học ở nhà, học qua các phương tiện truyền thông như truyền hình, Internet, sách, báo và học hỏi người khác.

Ngay từ bậc tiểu học, từ đầu quá trình học tập, cần phải giáo dục cho học sinh hình thành thói quen học tập thường xuyên một cách tự giác, chủ động, góp phần phát triển nhân cách. Kết hợp với giáo dục của mỗi gia đình, nhà trường phổ thông cần tổ chức các hoạt động giáo dục năng lực tự học, tạo điều kiện cho các em có một ý thức tự giác, chủ động học tập ở mọi lúc, mọi nơi qua các hình thức phù hợp, vừa sức với tâm lý lứa tuổi, từ đó hình thành tư duy độc lập, sáng tạo rất cần thiết cho quá trình học tập ở bậc học tiếp theo cũng như cuộc sống lao động sau khi rời ghế nhà trường. Tự học không phải bao giờ cũng là học một mình. Cách tự học tốt nhất là học theo nhóm. Học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông cần được làm quen và tăng cường hình thức học tập theo nhóm.

Trong trường phổ thông, thư viện là nơi tốt nhất cho tự học. Thư viện bằng các hoạt động nghiệp vụ của mình tổ chức thư viện thân thiện, góp phần hình thành cho học sinh thói quen đọc sách thường xuyên, kỹ năng đọc sách, kỹ năng tìm kiếm thông tin, xử lý thông tin, tổng hợp thông tin, từ đó phát huy thói quen tìm tòi, tư duy năng động, sáng tạo của học sinh. Học sinh tiếp nhận tri thức với tinh thần chủ động dẫn đến học tập hiệu quả hơn và các em tự tin vào khả năng tự học của mình. Thư viện trường phổ thông còn có thể hỗ trợ tích cực cho việc dạy học bằng cách cung cấp tài liệu tham khảo cho giáo viên, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm và tổ trưởng chuyên môn tổ chức cho học sinh tìm hiểu và thuyết trình theo chủ đề gắn với chương trình học, giáo viên kết hợp với thư viện giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục hướng nghiệp và giờ học thư viện. Như vậy, thông qua những hoạt động trải nghiệm của bản thân khi đến thư viện đọc sách, tìm kiếm thông tin hoặc học nhóm ở thư viện, năng lực tự học của các em được hình thành và trở thành một thói quen tích cực.

Kỹ năng sống

Kỹ năng sống là khả năng làm chủ bản thân của mỗi người, khả năng ứng xử phù hợp với người khác và với xã hội, khả năng ứng phó tích cực trước các tình huống của cuộc sống [3]. Kỹ năng sống thuộc về năng lực của cá nhân, giúp cá nhân tồn tại, làm chủ được cuộc sống và đạt được những mục tiêu trong cuộc sống một cách hiệu quả nhất. Kỹ năng sống ban đầu của những người trẻ tuổi chủ yếu có được nhờ giáo dục. Giáo dục kỹ năng sống phải được thực hiện như một phần không thể tách rời của các chương trình giáo dục một cách đa dạng và phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Nội dung chương trình giáo dục phổ thông đang được xây dựng theo hướng tích hợp, ít môn học nhưng đầy đủ các nội dung cơ bản, đáp ứng yêu cầu đào tạo con người hiện đại cho một xã hội hiện đại từ tri thức đến kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng sống trong môi trường hội nhập, hợp tác để khẳng định bản thân mình và cùng phát triển. Để tích hợp giáo dục kỹ năng sống với chương trình giáo dục một cách hiệu quả cần sự đổi mới và phối hợp của các cấp quản lý, các lực lượng giáo dục, sự hợp tác của giáo viên và học sinh.

Ở trường phổ thông, kỹ năng sống được hình thành cho học sinh thông qua các hoạt động giáo dục. Giáo dục kỹ năng sống là một quá trình tổ chức những hoạt động giáo dục cụ thể nhằm giúp học sinh chuyển những kiến thức thu nhận được cùng với thái độ của mình thành những hành vi tích cực phù hợp với mục tiêu phát triển toàn diện nhân cách, đáp ứng các yêu cầu của cuộc sống. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường phổ thông phải thực hiện lồng ghép để giáo dục cho học sinh 21 kỹ năng sống sau: kỹ năng nhận thức, kỹ năng xác định giá trị, kỹ năng kiểm soát cảm xúc, kỹ năng ứng phó với căng thẳng, kỹ năng tìm kiếm sự hỗ trợ, kỹ năng thể hiện sự tự tin, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lắng nghe tích cực, kỹ năng thể hiện sự cảm thông, kỹ năng thương lượng, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, kỹ năng hợp tác, kỹ năng tư duy phê phán, kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng kiên định, kỹ năng đảm nhận trách nhiệm, kỹ năng đạt mục tiêu, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng tìm kiếm và xử lý thông tin.

3. Công tác quản lý nhà trường phổ thông hướng đến một xã hội học tập

Chất lượng giáo dục và đào tạo của chúng ta hiện chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và xu thế phát triển của thời đại. Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam là vấn đề cấp bách. Phát triển giáo dục theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế”, trong đó đổi mới cơ chế quản lý giáo dục là khâu đột phá, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt.

Công tác quản lý trường phổ thông suy cho cùng nhằm mục đích đạt được mục tiêu cao nhất là hình thành “nhân cách - sức lao động”, phục vụ phát triển cộng đồng, làm tăng nguồn vốn con người, vốn tổ chức và vốn xã hội. Quản lý nhà trường dựa vào pháp luật, chính sách, cơ chế và các chuẩn theo quy định hiện hành. Để đạt được các mục tiêu đề ra, đội ngũ cán bộ quản lý trường phổ thông cần thiết phải được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên về kiến thức và kỹ năng quản lý nhà trường theo chuẩn để đạt chuẩn và vượt chuẩn. Bồi dưỡng cán bộ quản lý để cập nhật kiến thức, kỹ năng cần thiết nhằm nâng cao năng lực giải quyết các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn công tác quản lý nhà trường. Quản lý đổi mới phương pháp dạy - học, quản lý giáo dục các kỹ năng sống và quản lý thư viện là một số hoạt động của công tác quản lý nhà trường phổ thông hướng đến một xã hội học tập.

Quản lý đổi mới phương pháp dạy và học

Đổi mới phương pháp dạy và học là một vấn đề cấp thiết trong trường phổ thông, giáo viên phải dạy cách học và học sinh phải học cách học. Khơi dậy tiềm năng mỗi cá nhân bằng cách đổi mới không khí dạy và học, từ lối học từ chương, khoa cử, nhồi nhét, xa cuộc sống chuyển sang lối học sinh động, thông minh, sáng tạo, lôi cuốn học sinh và thiết thực gắn với cuộc sống. Dạy học lấy học sinh làm trung tâm, dạy học cá thể, dạy học bằng các phương pháp tiên tiến kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng các thiết bị dạy học hiện đại. Căn cứ điều kiện thực tế của từng nhà trường, cán bộ quản lý có phương pháp cụ thể, phù hợp để tổ chức, chỉ đạo đổi mới dạy và học. Đổi mới dạy và học còn gắn liền với đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả dạy, học nhằm thúc đẩy dạy tốt, học tốt. Chất lượng dạy và học được nâng cao đồng thời học sinh có được phương pháp học hiệu quả, có năng lực tự học để thực hiện học tập suốt đời. 

Quản lý giáo dục học sinh phổ thông các kỹ năng sống

Cán bộ quản lý chỉ đạo xây dựng trường học mới; giáo dục học sinh coi trọng truyền thống, lý tưởng, đạo đức; cổ vũ, phát huy năng lực sáng tạo của học sinh, tạo ra lớp trẻ người Việt Nam phù hợp những yêu cầu của nền kinh tế tri thức. Nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục làm cho các em thấy được tư cách công dân của đất nước Việt Nam, đồng thời là công dân của trái đất trong thời đại hội nhập và cùng phát triển.

Nhà trường chủ động bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có chuyên môn giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Giáo viên thường xuyên quan tâm và thấu hiểu đời sống tinh thần, tâm tư, tình cảm của các em để có phương pháp giáo dục kỹ năng sống phù hợp, tích hợp giáo dục kỹ năng sống với các nội dung giáo dục khác trong nhà trường.

Nhà trường cần phối hợp với hội cha mẹ học sinh và các tổ chức ngoài nhà trường cùng nhau giáo dục kỹ năng sống cho học sinh bằng các hình thức lôi cuốn, hấp dẫn và hiệu quả

Quản lý thư viện, phát huy vai trò tích cực của thư viện nhà trường

Thư viện trường phổ thông cần thoát dần ra khỏi trạng thái tĩnh lặng của kho chứa sách và phòng đọc sách. Thư viện phải trở nên năng động hơn với ba vai trò chính trong nhà trường. Thông qua các hoạt động nghiệp vụ, thư viện thể hiện vai trò truyền thông với giáo viên và học sinh, vai trò trong phát triển văn hóa nhà trường và là nhân tố tích cực góp phần dạy tốt, học tốt.

Tổ chức thư viện trường phổ thông thành một không gian học tập và giải trí thân thiện, chú trọng chăm sóc đời sống tinh thần để phát huy năng khiếu, khả năng sáng tạo, phát triển tư duy và năng lực tự học của học sinh.

Quản lý xây dựng thư viện trường đạt chuẩn, tiến đến thư viện tiên tiến, thư viện xuất sắc để khai thác mọi tiềm năng của thư viện.

Cán bộ quản lý trường học nên khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho cán bộ thư viện làm việc và dự thi “Cán bộ thư viện giỏi” các cấp để thúc đẩy hoạt động thư viện hiệu quả phục vụ giáo viên và học sinh.

Thư viện trường phổ thông ngày nay đang thay đổi và phải tiếp tục thay đổi để đáp ứng xu thế phát triển của nhà trường.

4. Lời kết

Quản lý nhà trường phổ thông hướng đến một xã hội học tập nhằm thực hiện thành công các chính sách giáo dục và nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục là góp phần tích cực đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phạm Tất Dong chủ biên (2012), Xây dựng mô hình xã hội học tập ở Việt Nam, Nxb Dân Trí, Hà Nội.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  3. Huỳnh Văn Sơn (2009), Nhập môn kỹ năng sống, Nxb Giáo dục, TP Hồ Chí Minh.

Chu Phương Diệp - TT Khảo thí & ĐBCLGDĐT

 

Tin mới
Lượt truy cập
Đang truy cập:1614809
Đang truy cập: 1001
Ban biên tập
Chịu trách nhiệm xuất bản
Hiệu trưởng
TS. VŨ QUẢNG

TRƯỜNG CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Số 7-9 Nguyễn Bỉnh Khiêm - Phường Bến Nghé - Quận 1 - TP.HCM
Tel: 08-3.8291718 Fax: 08-3.8296336 | Website: iemh.edu.vn | Email: cbql.hcm@iemh.edu.vn